|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ô tô tồn kho 'khủng', Bộ Công Thương kiến nghị 'ứng cứu'

15:16 | 02/05/2020
Chia sẻ
Chỉ số tồn kho ngành ô tô tăng rất cao, lên tới 122,5% so với cùng kì năm 2019 dù sản lượng sản xuất đã giảm 10,4%.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong quý I nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm nước (trừ ngành điện tử).

Trong đó, ngành sản xuất xe có động cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, chỉ số IPP của ngành giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số này của ngành năm trước tăng mạnh ở mức 20,8% so với cùng kỳ 2018.

Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành cũng tăng rất cao, tăng 122,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Ô tô tồn kho 'khủng', Bộ Công Thương kiến nghị 'ứng cứu' - Ảnh 1.

Sản lượng sản xuất ô tô giảm nhưng lượng tồn kho tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Theo lãnh đạo Cục, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn như Thaco, Thành Công, VinFast, Toyota, Honda, Mercedes... trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp do đại lý bán hàng đóng cửa theo chỉ đạo cách ly của Chính phủ và các địa phương.

Sau khi việc cách ly xã hội kết thúc, phần lớn các đại lý, doanh nghiệp ô tô đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công suất sản xuất, lắp ráp hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp do lượng tồn kho còn cao (122,5%).

Từ đó, Cục Công nghiệp kiến nghị cần sớm thông qua nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghệ hỗ trợ.

Khẩn trương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định của luật về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước (theo hướng ưu đãi cho tỷ lệ sản xuất nội địa), thuế GTGT (theo hướng hoàn thuế sớm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích luỹ thêm vốn) và thuế thu nhập doanh nghiệp (bổ sung mức ưu đãi cao nhất cho các ngành sản xuất cơ khí trọng điểm).

Hồi đầu tháng 4, Bộ Công Thương cũng có đề xuất Thủ tướng giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020. Với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến hết quý I/2021.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trước đó cũng đề xuất Chính phủ giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô để kích cầu tiêu dùng.

Theo VAMA, hoạt động cung ứng linh kiện, vật tư và sản xuất nói chung đến nay về cơ bản việc vẫn tạm thời được duy trì. Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo sẽ có nhiều nhà sản xuất linh kiện và nhà sản xuất xe bị ảnh hưởng trực tiếp do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch COVID-19.

Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí tính tới việc đóng cửa nhà máy trong một giai đoạn nhất định cho tới khi tìm được nguồn cung thay thế.

Ngọc Khánh