|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Không bỏ giấy phép và điều kiện xuất - nhập khẩu cần thiết

15:22 | 14/01/2017
Chia sẻ
Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương quy định, một trong nhiều biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất - nhập khẩu là bằng giấy phép, điều kiện. “Quản lý ngoại thương bằng giấy phép, điều kiện là cần thiết, vấn đề là phải công khai, minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định.

Loại bỏ giấy phép, điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính. Thưa ông, vì sao Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương vẫn tiếp tục quản lý xuất - nhập khẩu bằng giấy phép, điều kiện?

Chính phủ nào cũng quản lý nhà nước bằng các thủ tục hành chính, trong đó có giấy phép và điều kiện kinh doanh.

Tổ chức, cá nhân nào có giấy phép hoặc đáp ứng đủ điều kiện mới được hoạt động, đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực nhất định nào đó. Vì vậy, cần phải khẳng định rằng, giấy phép hay điều kiện không có lỗi.

Vấn đề là áp dụng thủ tục hành chính trong cấp giấy phép thế nào, nếu nhiêu khê, phiền hà, mất thời gian, công sức, tiền bạc của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì mới gây ra bức xúc trong xã hội, chứ không phải giấy phép hay điều kiện kinh doanh.

khong bo giay phep va dieu kien xuat nhap khau can thiet

Tôi đơn cử, ở Hoa Kỳ, châu Âu hay các nước tiên tiến khác, để mở một nhà hàng kinh doanh ăn uống, giải trí, người dân mất không ít thời gian, có khi kéo dài 6 - 7 tháng, thậm chí lâu hơn, nhưng không ai kêu ca, phàn nàn rằng thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà, vì mọi quy định của họ về thủ tục hành chính, trong đó có quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh hay điều kiện kinh doanh hết sức rõ ràng, minh bạch, hợp lý và công chức thực thi thủ tục hành chính cũng không có cách gì tiêu cực được.

Còn ở ta, tổ chức, cá nhân nào đó mất 4-5 tháng mới “xin” được giấy phép kinh doanh, thì tôi chắc rằng, cơ quan cấp phép có vấn đề.

Vì vậy, cũng như quản lý nhà nước ở lĩnh vực khác, trong quản lý ngoại thương, không vì sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp mà bỏ giấy phép, điều kiện xuất - nhập khẩu cần thiết, hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thay vào đó, quy trình cấp phép phải công khai, minh bạch và giấy phép, điều kiện phải thực sự cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu.

Để bảo đảm mục tiêu như ông nói, Luật Quản lý ngoại thương quy định quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất - nhập khẩu thế nào?

Chính phủ thực hiện một số biện pháp hành chính trong quản lý ngoại thương gồm cấm, tạm ngừng, hạn chế xuất nhập khẩu; quản lý theo giấy phép, điều kiện; chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Dù quản lý bằng cách nào thì đều phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đối với quản lý ngoại thương, giấy phép xuất - nhập khẩu hàng hóa là văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương, được cơ quan nhà nước cấp cho thương nhân để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Giấy phép này tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan quản lý nhà nước và thương nhân.

Quy chế cấp giấy phép xuất - nhập khẩu được giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành nên sẽ chấm dứt được tình trạng cơ quan ban hành quy chế “đẻ” ra các thủ tục phiền hà, sách nhiễu, không cần thiết.

Thế còn quản lý xuất - nhập khẩu theo điều kiện thì sao, thưa ông?

Quản lý xuất - nhập khẩu theo điều kiện là biện pháp mà cơ quan nhà nước quy định điều kiện, tiêu chuẩn đối với một số loại hàng hóa khi xuất - nhập khẩu. Cụ thể là điều kiện về chủ thể kinh doanh; chủng loại, số lượng, khối lượng hàng hóa; cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị; địa bàn.

Tôi xin nhắc lại rằng, thương nhân Việt Nam được tự do kinh doanh xuất - nhập khẩu và các hoạt động có liên quan khác không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm, tạm ngừng xuất - nhập khẩu.

Chính phủ quy định chi tiết Danh mục hàng hóa xuất - nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện; quy định phương thức quản lý. Các bộ, ngành phải công bố công khai điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép.

Với những quy định như vậy, thưa ông, liệu có giảm được thời gian thông quan theo theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016?

Luật Quản lý ngoại thương không làm thay luật khác, mà là luật chung, quy định các cách thức, nguyên tắc quản lý ngoại thương mà Nhà nước có quyền thực hiện, còn áp dụng các quyền đó thế nào, biện pháp ra sao tại cửa khẩu do các luật chuyên ngành quy định.

Vì thế, việc giảm thời gian thông quan phụ thuộc vào các luật khác và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các bộ, ngành, đặc biệt là lĩnh vực hải quan.

Nghị quyết 19/NQ-CP đặt mục tiêu, đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa dưới 36 giờ đối với xuất khẩu, 41 giờ đối với nhập khẩu. Triển khai Nghị quyết này, ngành tài chính đã và đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu.

Nhưng vấn đề là tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu hiện quá cao (khoảng 36%) khiến mất rất nhiều thời gian thông quan?

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu thế nào thì phải theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường.

Tương tự, áp dụng biện pháp kiểm dịch động vật và sản phẩm từ động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm dịch y tế đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu thế nào thì phải theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Không có bất cứ quy định pháp luật nào bắt buộc cơ quan hải quan kiểm tra chuyên ngành cao hơn hay thấp hơn 36% tổng khối lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Theo tôi được biết, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ngành hải quan đã và đang áp dụng hệ thống công nghệ thông tin, khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý xuất - nhập khẩu, đặc biệt là áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trên cơ sở doanh nghiệp nào chấp hành tốt pháp luật thì kiểm tra ít và ngược lại, với mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 8% theo thông lệ quốc tế.

Mạnh Bôn

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.