Khối tự doanh chỉ rót hơn 90 tỷ đồng trong tuần giao dịch đầu tiên năm 2021, tâm điểm TCB và HPG
Tuần giao dịch đầu tiên năm 2021 khép lại với diễn biến tích cực khi ghi nhận 5/5 phiên tăng điểm. VN-Index liên tục chinh phục những mốc mới và đã từng chạm 1.170 điểm trong phiên sáng 8/1, mức đóng cửa cao kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2007.
Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index tăng 5,78% lên 1.167,69 điểm, đánh dấu tuần thứ 10 tăng liên tiếp. Trong khi đó, HNX-Index giao dịch khởi sắc hơn, tăng 7,03% lên 217.4 điểm so với tuần trước.
Trở lại giao dịch tuần qua, bộ phận tự doanh CTCK mua ròng nhẹ 91 tỷ đồng nhưng bán ròng với khối lượng 2,8 triệu đơn vị. Sau khi bán ròng tới 856 tỷ đồng trong hai phiên 6/1 và 7/1, khối này đã đảo chiều gom tới 578 tỷ đồng trong phiên cuối tuần.
Top10 mã dẫn đầu về giá trị mua/bán tuần 4 - 8/1
Thống kê giao dịch cụ thể tuần qua, khối tự doanh CTCK tập trung rót vốn vào cổ phiếu TCB và HPG với giá trị lần lượt là 289 tỷ đồng và 283 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai cổ phiếu trên cũng đứng đầu top bán ra trong tháng với giá trị tương ứng 302 tỷ đồng và 261 tỷ đồng.
Liên quan đến mã HPG, Tập đoàn Hoà Phát mới đây đã công bố các nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại 10 công ty con, trong đó gồm tất cả doanh nghiệp trong lĩnh vực thép xây dựng, tôn mạ và mảng nội thất.
Về tình hình sản xuất của công ty, lần đầu tiên Hòa Phát đạt kỷ lục tiêu thụ trên 5 triệu tấn. Thị phần thép xây dựng cả năm 2020 của công ty đạt khoảng 33%, tiếp tục dẫn đầu thị trường và tăng đáng kể so với mức 26,2% của năm 2019.
Cùng chiều mua vào, hai cổ phiếu ngân hàng MBB và VPB lần lượt được khối tự doanh mua ròng 269 tỷ đồng và 203 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Mặt khác, dòng vốn tự doanh tìm đến các cổ phiếu DIG (192 tỷ đồng), FPT (169 tỷ đồng), MWG (130 tỷ đồng) và VIC (130 tỷ đồng).
Thông tin từ Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp), lãnh đạo DIC Corp thông tin ước tính doanh thu hợp nhất cả năm 2020 đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2019 và thực hiện 104% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế theo đó tăng trưởng tới 53%, đạt 720 tỷ đồng, tương ứng 108% kế hoạch đặt ra.
Sang năm 2021, công ty đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.750 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.550 tỷ đồng, tăng 115,27%. Tỷ lệ chia cổ tức trong năm tới dự kiến là 20%.
Hai mã cuối cùng trong Top10 được khối tự doanh mua vào là cổ phiếu VNM và VHM với giá trị lần lượt là 127 tỷ đồng và 116 tỷ đồng.
Ngoài hai mã HPG và TCB, khối tự doanh CTCK còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu VNM (181 tỷ đồng), VHM (162 tỷ đồng), MBB (151 tỷ đồng) và VPB (131 tỷ đồng).
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ, duy nhất mã FUEVFVND lọt top bán ra trong tháng 10 với giá trị hơn 125 tỷ đồng. Cùng chiều, khối tự doanh bán ra thêm các mã VIC (122 tỷ đồng), GEX (114 tỷ đồng) và FPT (103 tỷ đồng).
Nhận định về giao dịch tuần sắp tới, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt là khi trạng thái quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.
Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý IV/2020 tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.