|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khởi tố thêm 15 cá nhân trong vụ ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán

20:19 | 23/06/2023
Chia sẻ
Ngày 22/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với 15 bị can trong vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm “thao túng thị trường chứng khoán”.

Bộ Công an giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại CTCP Chứng khoán BOS (Mã: ART), CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) và các công ty liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án số 06/VPCQCSĐT ngày 29/3/2022 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Căn cứ tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ kết luận 15 đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Thanh Phương; Bùi Ngọc Tú; Nguyễn Thị Thu Thơm; Quách Thị Xuân Thu; Trần Thị Lan và Trịnh Văn Đại; Nguyễn Văn Mạnh; Trịnh Văn Nam; Nguyễn Quang Trung; Nguyễn Thị Hồng Dung; Trịnh Thị Thanh Huyền; Nguyễn Thị Nga; Trịnh Tuân; Đỗ Thị Huyền Trang và Hoàng Thị Huệ (là người quen, họ hàng, nhân viên của bị can Trịnh Văn Quyết) có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế và đồng phạm “thao túng thị trường chứng khoán”, thu lời bất chính số tiền 668 tỷ đồng.

Trong đó có 2 người là nhân viên của Tập đoàn FLC gồm: Đỗ Thị Huyền Trang - Phó Trưởng phòng Kế toán và Nguyễn Thị Nga - Nhân viên Kế toán.

5 cá nhân bị khởi tố thuộc Chứng khoán BOS gồm: Nguyễn Thị Thanh Phương - cựu Trưởng phòng Dịch vụ Chứng khoán; Nguyễn Thị Thu Thơm - cựu Phó Trưởng phòng Dịch vụ Chứng khoán; Bùi Ngọc Tú - cựu Phó Trưởng phòng Dịch vụ Chứng khoán; Trần Thị Lan - cựu Kế toán trưởng; Quách Thị Xuân Thu - cựu Kế toán trưởng.

Một số người bị khởi tố là lãnh đạo, nhân viên tại công ty con thuộc FLC gồm: Trịnh Văn Đại - Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS); Trịnh Thị Thanh Huyền - nhân viên CTCP Đầu tư và Phát triển FLC Homes; Trịnh Tuân - Trưởng phòng vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land; Hoàng Thị Huệ - cựu nhân viên CTCP Thương mại và Dịch vụ số FLC; Trịnh Văn Nam - cựu nhân viên CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways); Nguyễn Văn Mạnh - nhân viên Phòng Vật tư FLC Land.

Bộ Công an cho biết hành vi của 15 đối tượng nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, đồng phạm với vai trò giúp sức.

Ngày 22/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với 15 bị can nêu trên.

Các quyết định, lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn theo quy định pháp luật. Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các thủ tục tố tụng và tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các bị can.

Trước đó, ngày 29/3/2022, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán. 

Đến ngày 8/4/2022, bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC đồng thời là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS và bà Nguyễn Quỳnh Anh – cựu Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc giúp sức ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán. Cùng giai đoạn này, hai em gái của ông Quyết làTrịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cũng bị bắt vì lý do tương tự.

Cuối tháng 6/2022, ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, từ năm 2014 đến năm 2016, các cá nhân trên đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phiếu ROS và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bà Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.. 

Hoàng Kiều

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.