|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại tiếp tục xả ròng hơn nghìn tỷ đồng một cổ phiếu công nghệ

14:43 | 22/06/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường giao dịch phân hóa, khối ngoại tiếp tục xả ròng hơn 4.883 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tâm điểm vẫn là FPT với giá trị hơn 1.127 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ phiên giảm mạnh cuối tuần trước, VN-Index đã khởi đầu tuần 17 - 21/6 với phiên giảm điểm và tiệm cận vùng 1.270. Các phiên còn lại trong tuần, chỉ số đã có diễn biến đi ngang với mức cao nhất là vùng 1.288 và thấp nhất là vùng 1.271. Chốt tuần tại mức 1.282,02, VN-Index đã tăng nhẹ 2,11 điểm, tương đương 0,16% trong tuần.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường đạt 26.408 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ở mức 22.414 tỷ đồng, giảm 11% so với tuần trước và thấp hơn 5,9% so với trung bình 5 tuần gần đây.

HVN dẫn đầu nhóm tăng điểm trong diễn biến hồi phục của VN-Index tuần này, với mức tăng gần 15%, HVN đã giúp VN-Index tăng 2,59 điểm trong tuần. Các vị trí tiếp theo là FPT, VPB, GVR đã lần lượt giúp VN-Index tăng 2,05 điểm, 1,83 điểm và 1,57 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đầu là 2 mã ngân hàng là BID và VCB với mức ảnh hưởng lần lượt là 2,63 điểm và 2,05 điểm.

Là tuần chốt danh mục quý III/2024 của 2 quỹ VNM ETF và FTSE ETF, khối ngoại vẫn duy trì áp lực bán ròng lớn với giá trị bán ra gần 4.900 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trên HOSE, NĐT nước ngoài chưa ngừng xả ròng với tổng quy mô gần 4.962 tỷ đồng, tính riêng kênh khớp lệnh họ bán ròng gần 4.858 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu FPT bị xả ròng mạnh nhất với giá trị hơn 1.127 tỷ đồng, ghi nhận 3 tuần liên tục dẫn đầu top bán ròng. Tính chung cả 3 tuần, họ xả ròng hơn 3.200 tỷ đồng cổ phiếu của ông lớn ngành công nghệ.

Bất chấp sức ép rút vốn của khối ngoại, cổ phiếu của Công ty cổ phần FPT tiếp tục leo đỉnh lịch sử. Kết thúc phiên 21/6, thị giá mã này dừng tại 136.100 đồng/cp, tăng gần 4% so với tuần trước và tăng tới 41,6% so với hồi đầu năm.

Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là cổ phiếu HPG với gần 399 tỷ đồng. Cùng chiều, danh mục các mã bị NĐT ngoài bán ròng mạnh nhất còn có nhiều đại diện thuộc nhóm vốn hóa lớn và trung bình như VND (378 tỷ đồng), VHM (354 tỷ đồng), VRE (342 tỷ đồng), VNM (322 tỷ đồng), VPB (268 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Bên chiều mua ròng, TCH được khối này mua vào nhiều nhất với giá trị 166 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu được FTSE ETF thêm mới trong kỳ review này.

Bên cạnh đó, CTR và HAH cũng được mua ròng lần lượt 160 tỷ và 117 tỷ đồng. Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của PC1, EVF, SAB, CTD, HSG, PAN, DBC với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng 4/5 phiên với giá trị hơn 55 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 2,3 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam dẫn đầu bên bán với giá trị gần 75,8 tỷ đồng. Mã SHS cũng bị rút ròng 28,3 tỷ đồng. Cùng chiều, NĐT ngoại cũng bán ròng các mã HUT (13,3 tỷ đồng), CEO (10,5 tỷ đồng), TIG (10,4 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, khối ngoại mua ròng 77,6 tỷ đồng ở cổ phiếu MBS của Công ty cổ phần Chứng khoán MB. Theo sau là VCS (6 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự như LAS (4,6 tỷ đồng), IDJ (3,7 tỷ đồng) và VGS (2,9 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng duy nhất phiên đầu tuần và mua ròng 4 phiên còn lại. Tính chung cả tuần, họ mua ròng 268.710 đơn vị với tổng giá trị hơn 134 tỷ đồng.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 200,5 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Cùng chiều, giao dịch giải ngân còn được chứng kiến ở các mã DDV (20 tỷ đồng), QTP (5,2 tỷ đồng), MPC (1,7 tỷ đồng) và LTG (1,6 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 32,2 tỷ đồng cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch tương tự với giá trị thấp hơn như CLX (13,3 tỷ đồng), VEA (11,6 tỷ đồng), GDA (11,6 tỷ đồng) và QNS (7,3 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 28/6: Tiếp tục điều chỉnh
Theo dự báo của công ty chứng khoán, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.