Khối ngoại quay đầu bán ròng 1.270 tỷ đồng trong tuần đầu tháng 9, tập trung xả HPG, FUEVFVND song mua ròng mạnh nhất VPB
Trở lại sau kỳ nghỉ lễ với tâm lý sẵn sàng, nhà đầu tư đã liên tiếp mua vào giúp VN-Index tăng điểm liên tiếp 2 phiên đầu tuần. Diễn biến điều chỉnh chỉ xuất hiện khi chỉ số chạm vùng 1.255 vào phiên ngày 7/9, cũng thiết lập mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên sau đó áp lực chốt lãi đã kéo chỉ số từ mốc 1.255 về chốt tuần tại 1.241,48 điểm.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần dẫn đầu là GAS và HPG với mức tăng lần lượt 3,7% và 4,2% đã cùng đóng góp hơn 1,7 điểm vào mức tăng của VN-Index. VPB xếp thứ 3 với mức tăng 4,1% giúp chỉ số tăng 1,5 điểm.
Trong khi đó 3 cổ phiếu họ Vin là VIC, VHM và VRE đã dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index với mức ảnh hưởng giảm lần lượt là 2,8 điểm, 0,7 điểm và 0,4 điểm.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE
Trong tuần xuất hiện giao dịch mua vào mạnh nhất cổ phiếu VPB với giá trị trên 856,4 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thực hiện qua kênh thỏa thuận. Vừa qua, VPBank vừa công bố điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ. Hiện nay, room ngoại của VPBank đang đạt 28,32%.
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Agriseco, chi phí huy động giảm và đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi thuần. Nhờ mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm thấp giúp VPB cắt giảm chi phí huy động, và với các chiến lược thu hút khách hàng phủ rộng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng CASA cuối năm trên 30% tạo điều kiện thuận lợi cho NIM mở rộng, tăng lợi nhuận.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm của VPB mới đạt 10%, thấp hơn nhiều so với hạn mức 24% được Ngân hàng Nhà nước cấp. Vì vậy, VPB được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tín dụng trong những tháng cuối năm để hoàn thành hạn mức trên.
Agriseco đánh giá VPB có nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn nhờ năng lực tài chính gia tăng khi hợp tác Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) giai đoạn tới.
Đứng thứ hai trong danh mục được giải ngân là VNM với 294,9 tỷ đồng. Thống kê cho thấy cổ phiếu của Vinamilk được khối ngoại mua ròng nhiều tuần liên tiếp thông qua giao dịch khớp lệnh.
Top cổ phiếu mua ròng tuần này của khối ngoại còn có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như TPB (122,1 tỷ đồng), MWG (82,8 tỷ đồng), HDB (56 tỷ đồng), BID (40,9 tỷ đồng) và FPT (38,5 tỷ đồng).
Chiều bán ròng, HPG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND của ETF VN-Diamond đã dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị lần lượt 499,8 tỷ đồng và 423,5 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp đà mua ròng hơn 53 tỷ đồng.
Ở chiều mua, nhóm này rót ròng hơn 27,1 tỷ đồng gom cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO - Công ty Cổ phần. Bên cạnh đó, danh mục rót ròng có sự góp mặt của PVS (19,6 tỷ đồng), CEO (11,3 tỷ đồng), TIG (6,8 tỷ đồng), BVS (5,6 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 11,7 tỷ đồng ở cổ phiếu DTD, theo sau là 5,9 tỷ đồng mã NVB. Cùng với đó là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như TNG, MBS, HCC, ... với giá trị thấp hơn.
Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng nhẹ với quy mô hơn 18 tỷ đồng.
Tại chiều mua, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu với quy mô hơn 37,2 tỷ đồng. Kế tiếp NĐT nước ngoài cũng gom ròng 8,1 tỷ đồng mã QTP và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như MCH (6,4 tỷ đồng), VGG (3,1 tỷ đồng) và PHP (0,9 tỷ đồng), …
Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất hơn 21,6 tỷ đồng ở cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu QNS (15,3 tỷ đồng), ACV (14,9 tỷ đồng), MPC (10,4 tỷ đồng), LTG (6,6 tỷ đồng), …