|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng hơn 1.700 tỷ đồng trong tuần đầu năm 2023, tập trung HPG, VPB

10:25 | 07/01/2023
Chia sẻ
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng cả 4 phiên giao dịch trong tuần với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.630 tỷ đồng.

VN-Index có tuần khởi đầu năm 2023 khá thuận lợi khi chỉ số ghi nhận mức tăng 44,35 điểm, tương đương 4,4% để chốt tuần tại 1.051,44. Tuần tăng điểm này cũng kết thúc chuỗi 4 tuần giảm điểm liên tiếp trước đó. 

Thanh khoản trong tuần cũng có sự cải thiện trở lại với mức trung bình gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tương ứng trên 500 triệu đơn vị khớp lệnh trên HOSE mỗi phiên. Trong phiên cuối tuần (6/1) thanh khoản khớp lệnh trên HOSE đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng, cao nhất từ phiên 21/12/2022.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trở lại với vai trò dẫn dắt đà tăng của VN-Index, trong đó bộ đôi ông lớn ngân hàng quốc doanh VCB và BID đứng đầu với mức đóng góp lần lượt 4,8 điểm và 3,9 điểm. Nhóm cổ phiếu họ Vingroup cũng có mặt trong Top10 với tổng mức đóng góp 6 điểm cho chỉ số.

Bên chiều ảnh hưởng tiêu cực các cổ phiếu có vốn hóa thấp hơn trong VN30 như PNJ, NVL, VJC với tổng mức tác động giảm 6,4 điểm lên VN-Index.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trên HOSE, khối ngoại mua ròng cả 4 phiên giao dịch trong tuần với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 1.630 tỷ đồng. HPG là cổ phiếu được nhóm này mua ròng mạnh nhất trong tuần với giá trị gần 280 tỷ đồng, tiếp theo là VRE với giá trị mua ròng 170 tỷ đồng. Chiều bán ròng, DPM bị khối ngoại rút ròng hơn 130 tỷ đồng và trở thành cổ phiếu bị bán mạnh nhất trong tuần. 

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại HNX, khối ngoại duy trì mua ròng gần 88 tỷ đồng trong tuần đầu năm mới.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt 42,7 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như CEO (13,8 tỷ đồng), PVS (9,3 tỷ đồng), PVI (6,3 tỷ đồng) và SHS (4,4 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn khi quy mô bán ròng của các mã đều dưới 1 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu PVC của Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô 0,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như THD, VNC, CTC, EID với giá trị dưới 300 triệu đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại chuyển mua ròng nhẹ với giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng gần 12 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, bỏ xa các mã còn lại trong Top rút ròng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của QTP (2,6 tỷ đồng), CLX (1 tỷ đồng), SWC (0,1 tỷ đồng), PTT (0,1 tỷ đồng).

Ở phía ngược lại, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn được mua ròng trở lại với quy mô 6,4 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như MPC (2,9 tỷ đồng), ACV (2,8 tỷ đồng), QNS (1 tỷ đồng) và VOC (0,9 tỷ đồng).

Dưới góc nhìn kỹ thuật, đà tăng của thị trường chứng khoán trong nước bị chắn ngang ở phiên cuối tuần nhưng VN-Index vẫn hoàn tất một tuần tăng mạnh và nằm trong Top các chỉ số chứng khoán có mức tăng mạnh nhất ở tuần đầu tiên của năm 2023.

Theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tại khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI đã tạo 2 đỉnh và có dấu hiệu suy yếu báo hiệu cho việc rung lắc ngắn hạn có thể xảy ra nếu áp lực bán gia tăng. Hỗ trợ gần nhất của VN-Index sẽ nằm trong vùng điểm 1.030. Tuy nhiên việc MACD ở khung đồ thị này chưa có tín hiệu tạo phân kỳ âm nên xác suất giảm điểm mạnh của VN-Index sẽ khó xảy ra.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị chủ động hiện thực hóa lợi nhuận đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công ở các phiên trước để tối ưu hóa lợi nhuận. Thêm vào đó, những phiên rung lắc mạnh của thị trường cũng sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc lướt sóng T+ trong ngắn hạn đối với những nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí. 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo