|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng gần 3.800 tỷ đồng trong tháng đầu năm khi VN-Index có nhịp tăng hơn 100 điểm

16:59 | 01/02/2023
Chia sẻ
Đây là tháng thứ 3 nước ngoài mua ròng liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11 và 12.834 tỷ đồng trong tháng 12/2022.

Kết thúc tháng giao dịch đầu tiên của năm 2023, VN-Index tăng 104,09 điểm tương đương 10,34% để dừng chân ở mốc 1.111,18 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên giảm 25,3% so với tháng trước và hụt 20,4% so với thanh khoản trung bình 5 tháng gần đây.

Dòng tiền đầu cơ tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi tỷ trọng giao dịch giảm ở nhóm vốn hóa lớn. Theo thống kê của FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào các lĩnh vực như ngân hàng, tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu, nhưng giảm ở nhóm bất động sản, chứng khoán, hóa chất.

Tháng 1 ghi nhận giao dịch khởi sắc ở toàn bộ nhóm ngành, trong đó cổ phiếu nhóm dầu khí, thép, chứng khoán thuộc Top tăng mạnh nhất.

Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, họ kéo dài chuỗi mua ròng sang tháng thứ 3 liên tiếp dù quy mô có phần thu hẹp.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng 3.787 tỷ đồng trong tháng đầu năm, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ gom ròng 6.792 tỷ đồng. Sau 3 tháng, nước ngoài tạo ra kỷ lục mua ròng 32.596 tỷ đồng, đây là chuỗi mua ròng liên tiếp có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, HPG tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 1.407,4 tỷ đồng trong tháng 1.

Điều này cho thấy cổ phiếu của ông lớn ngành thép vẫn thu hút sự chú ý của dòng tiền ngoại bất chấp tình hình kinh doanh kém sắc. Báo cáo tài chính công bố gần đây cho thấy Hòa Phát lỗ sau thuế 1.999 tỷ đồng trong quý IV. Số lỗ quý IV đã vượt qua quý III để trở thành khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của Hòa Phát.

Tổng cộng trong hai quý cuối năm, Hòa Phát lỗ 3.785 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn vẫn có lãi sau thuế 8.444 tỷ đồng.

Kế đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được khối ngoại gom ròng gần 660 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã tài chính ngân hàng khác như SSI (580,1 tỷ đồng), VND (379,2 tỷ đồng), HCM (326,5 tỷ đồng), CTG (257,4 tỷ đồng), STB (249,1 tỷ đồng), VCI (236,1 tỷ đồng) ...

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu họ Vingroup. Bộ ba VIC, VRE và VHM đều nằm trong top mua ròng, trong đó VRE được mua ròng trở lại sau khi họ bán ròng tháng 12.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang với quy mô 243,9 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu này có nhịp tăng nhẹ 2,4% trong tháng 1 lên 60.300 đồng/cp.

Xu hướng chi phối giá cổ phiếu DGC hiện tại là xu hướng giảm trung hạn kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu dao động với biên độ hẹp dần với các vùng đáy mới được tạo liên tục cao hơn, điều này để ngỏ kỳ vọng giai đoạn điều chính có thể kết thúc trong thời gian sắp tới.

Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngành phân bón, hóa chất khác như DPM (163,8 tỷ đồng), DCM (88,4 tỷ đồng), …. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã vốn hóa vừa và nhỏ như PVT (90 tỷ đồng), KDC (88,1 tỷ đồng), VGC (78,2 tỷ đồng), NT2 (62,1 tỷ đồng), BMP (50,3 tỷ đồng), PTB (45,8 tỷ đồng), ….

Tương tự HOSE, NĐT nước ngoài cũng mua ròng hơn 334 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 1.

Trong khi đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO với quy mô 187,4 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã CEO (43,3 tỷ đồng), PVS (36,3 tỷ đồng), SHS (26,4 tỷ đồng), PVI (24 tỷ đồng), ...

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng không có nhiều điểm nhấn khi không mã nào bị bán ròng dưới 1 tỷ đồng. Những cổ phiếu lần lượt bị rút vốn là EID, PGS, PVC, ONE, TVD, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại giao dịch tích cực khi tiếp tục mua ròng gần 65 tỷ đồng.

Ở chiều mua vào, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn được mua mạnh nhất với 107 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất được khối này gom ròng trên trăm tỷ đồng. Theo sau là QNS (10,6 tỷ đồng), MCH (8,7 tỷ đồng), MPC (4,5 tỷ đồng), ABI (4,3 tỷ đồng), ...

Trong khi đó, cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel là tâm điểm bán ròng với gần 67,6 tỷ đồng. Sau giai đoạn gom ròng liên tục, cổ phiếu  VTP đối mặt với áp lực chốt lời từ khối ngoại trong tháng vừa qua. Bên cạnh đó, LTG và CLX lần lượt bị rút ròng với giá trị 6 tỷ và 3,8 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 3 tỷ đồng gồm SWC, QTP, OIL, VEA, HU4, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo