Tháng 1/2023: Khối tự doanh gom tiếp gần 1.900 tỷ đồng cổ phiếu, ưu tiên nhóm ngân hàng
Về tổng quan, thị trường có một tháng giao dịch tích cực nhất trong nhiều năm trở lại đây. VN-Index tăng 10,34%, khép lại tháng 1 ở 1.111,18 điểm. Nhóm VN30 tăng 11,93%, trở thành động lực dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Mức tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam cao hơn hẳn nhiều thị trường chứng khoán lớn trên thế giới và trong khu vực như Mỹ (S&P 500 – 4,67%), Nhật Bản (4,72%), Hàn Quốc (8,44%), Thái Lan (0,34%). Chiều ngược lại, chứng khoán Indonesia giảm 0,38%.
Diễn biến khởi sắc tháng đầu năm đưa VN-Index lọt Top5 chỉ số chứng khoán tích cực nhất trên toàn cầu. Đà tăng của chỉ số được hỗ trợ từ dòng tiền từ khối ngoại và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán bất chấp việc thị trường có hai kỳ nghỉ lễ liên tiếp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch Quý Mão khiến dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân trong nước sụt giảm.
Khối tự doanh gom cổ phiếu trên HOSE tháng thứ ba liên tiếp với giá trị 1.885 tỷ đồng
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 4.200 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2023, tập trung vào cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE (2.702 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ ETF nội. (1.085 tỷ đồng).
Cùng chiều, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 1.885 tỷ đồng cổ phiếu trên toàn thị trường trong tháng đầu năm nay. Hoạt động mua ròng tập trung trên sàn HOSE với quy mô 1.885 tỷ đồng, trong khi đó sàn HNX (bán ròng 34,9 tỷ đồng) và thị trường UPCoM (mua 34,8 tỷ đồng) giao dịch trái chiều.
Cụ thể trên sàn HOSE, khối tự doanh mua ròng 12/16 phiên giao dịch của tháng 1. Phiên khai xuân Quý Mão (27/1), khối tự doanh mua ròng mạnh tay nhất với giá trị hơn 453 tỷ đồng, chủ yếu qua kênh khớp lệnh (445 tỷ đồng).
Hoạt động mua ròng của khối tự doanh trong tháng 1 đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp khối này mua ròng trên sàn HOSE. Trong hai tháng cuối năm 2022, khối này mua ròng lần lượt 2.747 tỷ đồng và 1.483 tỷ đồng. Tổng cộng giá trị vào ròng trong ba tháng qua là 6.115 tỷ đồng.
Ở trạng thái đối lập, khối tự doanh bán ròng chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền trong tháng thứ tư liên tiếp với giá trị 1.434 tỷ đồng. Động thái bán ròng tập trung vào ETF nội. Tổng giá trị bán ròng sản phẩm này trong 4 tháng qua là 7.356 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 1, chứng chỉ quỹ của DCVFM VN Diamond ETF (FUEVFVND) bị bán ròng mạnh nhất với 598 tỷ đồng, tiếp đến là E1VFVN30 (542,1 tỷ đồng) và SSIAM VN Fin Lead ETF (302,7 tỷ đồng). Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất còn có FUEVN100 (6,2 tỷ đồng).
Nhiều cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm dòng tiền tự doanh
Trở lại với giao dịch cổ phiếu của khối tự doanh trong tháng vừa qua, 8/10 cổ phiếu được mua với giá trị trên 100 tỷ đồng. Trong đó, mã KDH của Khang Điền dẫn đầu về giá trị mua ròng với hơn 281 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu bất động sản duy nhất lọt Top10 mã được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất trong tháng qua.
Nhóm ngân hàng có nhiều đại diện lọt top nhất với 4 cổ phiếu. Cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu về quy mô mua ròng với hơn 187 tỷ đồng, kế đến là MBB (173,8 tỷ đồng). Hai cổ phiếu ngân hàng khác cũng được khối tự doanh mua ròng với giá trị trăm tỷ đồng là TCB (131 tỷ đồng), ACB (107,6 tỷ đồng).
Trong tháng vừa qua, cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực và trở thành một trong những nhóm cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index.
Lực mua ròng từ khối tự doanh còn xuất hiện ở những mã vốn hóa lớn như FPT (167,4 tỷ đồng), HPG (112,3 tỷ đồng), PNJ (109,3 tỷ đồng), MWG (97,6 tỷ đồng) và VNM (81,1 tỷ đồng). Việc những bluechip này được mua ròng phần lớn đến từ giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF nội là FUEVFVND và E1VFVN30.
Ỏ chiều bán ròng, hai mã bị bán ròng mạnh nhất là NVL (207,6 tỷ đồng), KDC (156,8 tỷ đồng). Những cổ phiếu khác bị bán ròng nhẹ dưới 20 tỷ đồng là PVD (17,7 tỷ đồng), DDG (15,8 tỷ đồng) và NKG (8,8 tỷ đồng)