|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại kịp chốt lời 800 tỉ đồng trước phiên bán tháo diện rộng khi tái xuất hiện các ca COVID-19 trong cộng đồng?

13:35 | 27/07/2020
Chia sẻ
Trong phiên cuối tuần (24/7), sau thông tin về ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, khối này trở lại gom 272 tỉ đồng bất chấp đà bán tháo toàn thị trường. Nếu không tính phiên mua ròng trên, NĐT ngoại đã xả hơn 800 tỉ đồng tuần qua.

Trong tuần vừa qua (20 – 24/7), VN-Index có ba phiên giảm điểm và hai phiên tăng điểm trước khi đóng cửa tuần ở mức 829,16 điểm, giảm 42,86 điểm tương đương 4,92% so với cuối tuần trước. HNX-Index giảm 7,48 điểm tương đương 6,4% xuống 109,33 điểm.

Khối lượng giao dịch trung bình phiên tuần qua trên cả hai sàn đều tăng với mức tăng lần lượt là 23,62% và 33,27% lên 311 và 48 triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng 536 tỉ đồng trên toàn thị trường tuần qua với khối lượng tương ứng hơn 26 triệu đơn vị.

Khối ngoại xả 520 tỉ đồng trên HOSE, bán ròng trăm tỉ mã HPG, VNM, DXG

Thống kê giao dịch trên HOSE, khối ngoại xả 520,7 tỉ đồng, cao gấp gần ba lần so với giá trị bán ròng của khối này tuần trước đó. Ngoài ra, khối lượng bán ròng đạt 24 triệu đơn vị. Trong đó, áp lực bán tập trung tại thị trường cổ phiếu với giá trị 569 tỉ đồng nhưng mua ròng 53,5 tỉ đồng tại thị trường chứng chỉ quĩ ETF nội.

Khối ngoại kịp chốt lời 800 tỉ đồng trước phiên bán tháo diện rộng khi tái xuất hiện các ca COVID-19 trong cộng đồng? - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Nhóm cổ phiếu bị khối ngoại xả trăm tỉ trong tuần gồm HPG (196,51 tỉ đồng), VNM (121,54 tỉ đồng) và DXG (112,09 tỉ  đồng).

Cổ phiếu HPG đẫn dầu phía bán ròng bất chấp kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Hòa Phát ghi nhận tăng trưởng doanh thu 30% lên 39.655 tỉ đồng và lợi nhuận tăng 31% lên 5.060 tỉ đồng. Theo Hòa Phát, các công ty con đã luân chuyển 2.491 tỉ đồng lợi nhuận về cho tập đoàn, tăng trưởng 17,4% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản ghi nhận khoản nợ phải trả tăng mạnh từ 6.074 tỉ đồng lên 60.063 tỉ đồng - tương đương 53,3% tổng tài sản. Riêng các khoản nợ phải trả lãi như vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đã tăng xấp xỉ 6.000 tỉ đồng so với đầu năm. Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay là 1.004 tỉ đồng, cao hơn con số 936 tỉ đồng của cả năm 2019.

Liên quan đến cổ phiếu của Tập đoàn Đất Xanh, theo BCTC quí II vừa công bố, doanh thu ghi nhận 478 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kì năm ngoái; khoản lỗ ròng hơn 29 tỉ đồng trong khi cùng kì lãi 249 tỉ đồng. Đây là lần thứ ba và cũng là lần lỗ nặng nhất của Đất Xanh kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2009 (quí IV/2011 lỗ ròng gần 18 tỉ đồng, quí III/2016 lỗ ròng 5 tỉ đồng).

Cùng chiều bán ròng, khối ngoại rút vốn dưới trăm tỉ đồng khỏi các mã như VHM (72,6 tỉ đồng), GAS (57,7 tỉ đồng), MSN (42,5 tỉ đồng) và CII (30,3 tỉ đồng). Mặt khác, cổ phiếu chịu áp lực bán ròng từ khối này còn có SSI, BID, NVL.

Diễn biến trái chiều, khối ngoại chủ yếu mua ròng mã VRE (87,7 tỉ đồng) và VCB (63,5 tỉ đồng). Liên quan đến mã VCB, Vietcombank công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lợi nhuận trước thuế quí II đạt 5.759 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.615,2 tỉ đồng. Vietcombank hiện là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu nhóm lãi nghìn tỉ sau 6 tháng đầu năm 2020.

Mới đây, CTCP Đầu tư Nam Long cũng thông tin kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với doanh thu sụt giảm gần 30% so với cùng kì còn 658 tỉ đồng. Công ty báo lãi ròng 6 tháng đạt 185 tỉ đồng, giảm 35% so với cùng kì năm ngoái. Mặc dù vậy, NLG vẫn đứng top3 về giá trị mua ròng tuần qua của khối ngoại (54,5 tỉ đồng).

Ngoài ra, các mã ghi nhận giá trị mua ròng cao như KDC (35,4 tỉ đồng), VCI (22,4 tỉ đồng), SAB (20,7 tỉ đồng). Các mã còn lại trong nhóm mua ròng như PLX, STB, TLG tuy nhiên với giá trị dưới 20 tỉ đồng.

SHB vẫn chịu áp lực xả từ khối ngoại tuần qua

Hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài trên HNX không mấy nổi bật. Khối ngoại rút ròng nhẹ 4,5 tỉ đồng với khối lượng tương ứng 878.794 cổ phiếu. Trong tuần, khối này bán ròng hầu hết phiên ngoại trừ phiên cuối tuần (24/7).

Khối ngoại kịp chốt lời 800 tỉ đồng trước phiên bán tháo diện rộng khi tái xuất hiện các ca COVID-19 trong cộng đồng? - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Tại phía bán ròng, khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu SHB 16,93 tỉ đồng. Ngoài ra, các mã cùng chiều như NTP, PVB, TNG, HUT, VCG, BVS….

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHS và DHT lần lượt được khối ngoại mua ròng 6,4 tỉ đồng và 4,2 tỉ đồng. Một số mã cùng chiều mua ròng như AMV, IDV, TKU, DP3….

NĐT nước ngoài tiếp tục rút vốn khỏi ACV tuần qua

Diễn biến tương tự tại UPCoM, khối ngoại bán ròng 10,9 tỉ đồng cùng khối lượng 1,12 triệu đơn vị. Khối này đã bán ròng ba phiên và gom trong hai phiên trong tuần qua.

Khối ngoại kịp chốt lời 800 tỉ đồng trước phiên bán tháo diện rộng khi tái xuất hiện các ca COVID-19 trong cộng đồng? - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp

Trong đó, cổ phiếu ACV tiếp tục dẫn đầu phía bán ròng (12,7 tỉ đông). ACV là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, Ban lãnh đạo công ty cho biết kế hoạch năm 2020 sẽ gặp nhiều thách thức khi các chuyến bay quốc tế có thể không được hoạt động trở lại trong tháng 8 như dự kiến.

Ngoài ra, dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (LTA) bị trì hoãn. ACV cho biết công ty đang thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án LTA, dự kiến được trình lên Chính phủ thông qua vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2021.

Theo sau đó, khối ngoại rút vốn khỏi cổ phiếu BSR (6,9 tỉ đồng), MCH (4,5 tỉ đồng), KDF (3,5 tỉ đồng), VLC (2,7 tỉ đồng). Chịu áp lực bán ròng còn có cổ phiếu UDJ, TTD, QNS, MSR, PSL.

Trong khi đó, cổ phiếu hút vốn từ NĐT ngoại như VEA (8,2 tỉ đồng), VTP (5,06 tỉ đồng), NCT (3,09 tỉ đồng).

KCN Nam Tân Uyên hiện là doanh nghiệp duy nhất giảm lãi trong quí II trong nhóm KCN. Cụ thể, lợi nhuận trong quí của Nam Tân Uyên ghi nhận gần 60 tỉ đồng, giảm khoảng 1 tỉ đồng so với quí II/2019. BCTC của doanh nghiệp này cho thấy, doanh thu vẫn tăng nhẹ 6% nhưng giá vốn tăng cao hơn, dẫn đến lãi gộp co hẹp so với cùng kì.

Ngoài ra, khối ngoại còn mua ròng LTG, BVB, ABI, TND, MH3, VGI.

Ánh Hường

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.