Điểm sáng giữa bão tin COVID-19: Khối tự doanh rót vốn vào thị trường tuần qua (20 - 24/7), tâm điểm nhóm ngân hàng
Tâm lí lo ngại trước ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng khiến các chỉ số bị bán tháo mạnh trong phiên cuối tuần. VN-Index tạo mức thấp nhất phiên tại 815 điểm và dần thu hẹp đà giảm về cuối phiên.
Áp lực bán tháo khiến giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường tăng mạnh lên con số 7.860 tỉ đồng. Thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao nhất kể từ 12/6/2020, giá trị giao dịch tương đương 8.639 tỉ đồng.
Lực bán khá quyết liệt và trên diện rộng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. VN30-Index có 30 mã giảm trong đó hai mã giảm sàn trong khi VPB, VJC, BID, HPG, REE, MWG, VHM, SSI…giảm trên 3%.
Điểm sáng duy nhất trong phiên cuối tuần đến từ khối ngoại khi ghi nhận phiên mua ròng trở lại mạnh nhất hơn một tháng qua với giá trị 272 tỉ đồng toàn thị trường.
Diễn biến cùng chiều, bộ phận tự doanh CTCK mua ròng hơn 38 tỉ đồng với khối lượng 1,11 triệu đơn vị. Trong tuần, khối này rót vốn vào thị trường phiên thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu trong khi bán ròng hai phiên còn lại.
Tại giao dịch chứng chỉ quĩ ETF nội, khối tự doanh chủ yếu mua vào mã E1VFVN30 giá trị 89,35 tỉ đồng. Ngược lại, chứng chỉ quĩ FUESSVFL ghi nhận giá trị bán ra 52,64 tỉ đồng.
Thống kê tại thị trường cổ phiếu, khối tự doanh chủ yếu rót vốn vào hai mã STB (49,8 tỉ đồng) và CII (40,46 tỉ đồng). Cổ phiếu STB dẫn đầu phía mua vào trong tuần cùng thời gian Sacombank báo lãi rước thuế đạt 1.429 tỉ đồng, giảm 2,2% so với cùng kì và bằng 56% kế hoạch năm.
Được biết, thu nhập hoạt động của Sacombank tăng 8,8% so với cùng kì 2019 đạt 7.444 tỉ đồng. Trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 2,7% lên 4.451 tỉ đồng, qua đó giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ngân hàng tăng gần 19,5% đạt 2.994 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong tuần qua có tổng cộng gần 350,5 triệu cổ phiếu ngân hàng được trao tay giữa các nhà đầu tư, tương ứng với giá trị giao dịch đạt gần 6.168 tỉ đồng. Riêng STB chiếm hơn 1/4 khối lượng giao dịch toàn ngành với gần 94,4 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.126 tỉ đồng.
Mặt khác, mã ghi nhận giá trị mua lớn còn có VPB (24,17 tỉ đồng) sau thông tin Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm cho VPBank với triển vọng ổn định. Chỉ số rủi ro đối tác ở mức Ba3; chỉ số nhà phát hành dài hạn và xếp hạng tiền gửi nội tệ được ở mức B1.
Cùng nhóm ngân hàng, khối tự doanh mua vào MBB (21,81 tỉ đồng), TCB (21,71 tỉ đồng) và VCB (21,25 tỉ đồng). Mặt khác, dòng vốn tự doanh tìm đến các mã ngoài nhóm tài chính như VHM (22,55 tỉ đồng), MWG (19,91 tỉ đồng) và HPG (19,39 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh nhất từ bộ phận tự doanh là SSI (62,15 tỉ đồng). Liên quan đến mã này, đầu tuần qua, Chứng khoán SSI (công ty mẹ ghi nhận tổng doanh thu quí II đạt 1.379 tỉ đồng, tăng trưởng 85,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 651,7 tỉ đồng, tăng 172,4% so với cùng kì năm 2019.
Kết thúc nửa đầu năm 2020, SSI có tổng doanh thu 2.354,7 tỉ dồng, lợi nhuận trước thuế đạt 666,8 tỉ đồng và đang quản lí gần 180.000 tài khoản.
Bên cạnh đó, khối tự doanh rút vốn khỏi cổ phiếu HPG 32,44 tỉ đồng. Doanh nghiệp này hiện gánh khoản nợ phải trả 60.063 tỉ đồng, tương đương 53,3% tổng tài sản. Riêng các khoản nợ phải trả lãi như vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đã tăng xấp xỉ 6.000 tỉ đồng so với đầu năm.
Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm nay là 1.004 tỉ đồng, cao hơn con số 936 tỉ đồng của cả năm 2019. Tỉ lệ chi phí lãi vay tăng từ 8,4% trong năm 2019 lên thành 13,4% trong nửa đầu năm 2020.
Mặt khác, hai mã STB và CTG lần lượt ghi nhận giá trị bán 28,18 tỉ đồng và 25,92 tỉ đồng. Khối tự doanh cũng thoái vốn khỏi các mã khác như VHM (20,87 tỉ đồng), VNM (18,23 tỉ đồng), FPT (14,61 tỉ đồng), MBB (14,55 tỉ đồng).
Riêng cổ phiếu HSG bị bán ra 13,54 tỉ đồng tuần qua bất chấp 6 tháng năm 2020, Hoa Sen liên tục công bố lợi nhuận tăng trưởng và vượt kế hoạch.
Theo báo cáo tài chính quí III của niên độ 2019-2020 (tức ba tháng từ 1/4 đến 30/6/2020), doanh thu thuần đạt 6.834 tỉ đồng, giảm 5,5% so với cùng kì năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu niên độ, doanh thu của Hoa Sen giảm 11,5% còn 19.189 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng đột biến 153% lên 701 tỉ đồng.
Cả niên độ 2019-2020, Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu thuần 28.000 tỉ đồng, giảm 35 tỉ đồng so với thực hiện niên độ trước. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 400 tỉ đồng, tăng trưởng 11%. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện 68,5% kế hoạch doanh thu và 175% mục tiêu lợi nhuận.