|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại giao dịch ra sao khi VN-Index tăng hơn 26 điểm trong tháng 5?

15:00 | 01/06/2023
Chia sẻ
Khối ngoại bán ròng 3.078 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ xả ròng 3.768 tỷ đồng. Động thái bán ròng của khối ngoại trong tháng 5 đến từ các quỹ ngoại chủ động và nhóm ETF.

VN-Index tăng 26,05 điểm trong tháng 5, tương đương 2,48% kết thúc tháng ở mức 1.75,17 điểm. Thanh khoản trung bình mỗi phiên đạt 12.275 tỷ đồng, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 9,3% so với 5 tháng trước. 

Theo thống kê của FiinTrade, dòng tiền tăng mạnh vào cổ phiếu vốn hóa vừa, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa lớn và nhỏ. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm xây dựng và vật liệu, hàng và dịch vụ công nghiệp, điện nước xăng dầu khí đốt, song giảm ở nhóm ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, …

Các nhóm ngành có diễn biến khởi sắc khi 16/19 nhóm cổ phiếu ghi nhận tăng điểm, trong đó các lĩnh vực tăng mạnh nhất là truyền thông, chứng khoán, hóa chất. Nhóm hàng cá nhân và gia dụng, thực phẩm và đồ uống, bảo hiểm giảm điểm trong tháng.

Quan sát giao dịch ở các nhóm nhà đầu tư, các cá nhân trong nước và tự doanh là bên mua ròng, chiều ngược lại nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước là bên bán ròng.

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HOSE

Khối ngoại bán ròng 3.078 tỷ đồng trên HOSE, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ xả ròng 3.768 tỷ đồng. Động thái bán ròng của khối ngoại trong tháng 5 đến từ các quỹ ngoại chủ động và nhóm ETF.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thống kê chi tiết theo từng mã chứng khoán, STG được nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 1.284,8 tỷ đồng trong tháng 5, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua kênh thỏa thuận.

Đứng ở vị trí thứ hai trong Top10 là mã VIC của Tập đoàn Vingroup với quy mô 356,2 tỷ đồng. Hai cổ phiếu khác cùng họ Vingroup cũng được mua ròng là VRE (230,7 tỷ đồng), VHM (203,2 tỷ đồng).

Ở nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu FPT cũng được dòng tiền ngoại giải ngân ròng 354 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền ngoại còn tìm đến nhiều đại diện như HPG, POW, KDH với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở phía đối diện, nước ngoài bán ròng mạnh nhất cổ phiếu CTG của VietinBank với quy mô 887,9 tỷ đồng.

Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên nhiều mã ngân hàng như EIB (787,4 tỷ đồng), VPB (297,4 tỷ đồng), STB (175,4 tỷ đồng), SHB (100 tỷ đồng), …

Ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 30/5, khối ngoại ghi nhận giao dịch bán ròng gần 34,4 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với giá trị trên 700 tỷ đồng. Đây cũng là phiên khối ngoại bán ròng EIB mạnh nhất kể từ khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái vốn.

Trước đó vào ngày 13/1, SMBC đã chính thức bán xong 132,8 triệu cổ phiếu EIB. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cp) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cp), chính thức không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng. Do đó, khả năng cao lượng lớn cổ phiếu EIB được bán trong phiên giao dịch 30/5 là của SMBC.

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên sàn HNX

Giao dịch trái chiều, NĐT nước ngoài đảo chiều mua ròng gần 141 tỷ đồng trên sàn HNX trong tháng 5.

Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu DTD của Đầu tư phát triển Thành Đạt với quy mô 58,7 tỷ đồng. Dòng tiền ngoại cũng tích cực tìm đến các mã CEO (55,2 tỷ đồng), TNG (33 tỷ đồng), CAN (22 tỷ đồng), MBS (15 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, giao dịch rút ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu VCS với quy mô 20,2 tỷ đồng. Những cổ phiếu kế đó lần lượt bị rút vốn là BVS (14,3 tỷ đồng), IDC (12,8 tỷ đồng), APS (5,8 tỷ đồng), THD (3,9 tỷ đồng), …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tháng qua trên thị trường UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại quay lại bán ròng gần 216 tỷ đồng.

Ở chiều mua ròng, cổ phiếu LTG được NĐT nước ngoài mua mạnh nhất với giá trị 43,1 tỷ đồng. Các giao dịch giải ngân theo sau là CST (6,6 tỷ đồng), PHP (4,4 tỷ đồng), DDV (1,5 tỷ đồng), FOC (1,1 tỷ đồng), …

Trong khi đó, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi là tâm điểm bán ròng với gần 155 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VTP và IDP lần lượt bị rút ròng với giá trị 32,3 tỷ và 19,3 tỷ đồng. Những mã khác trên UPCoM bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng gồm MCH, SKV, MPC, NTC, ACV, …

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo