Khối ngoại duy trì mua ròng gần 5.300 tỷ đồng tuần VN-Index đảo ngược tình thế, tâm điểm STB, HPG
Sau chuỗi ngày VN-Index lầm lũi đi ngược với diễn biến tích cực của các thị trường lớn trên thế giới, nhà đầu tư đã có lúc hoảng loạn bán tháo. Cùng với hiện tượng “margin call” của các công ty chứng khoán, VN-Index đã thủng mốc 900 và chạm mức thấp nhất tại 873 trong phiên ngày 16/11.
Điều bất ngờ đã xuất hiện khi lực cầu đã trở lại, hấp thụ hầu hết các lệnh bán tháo và giúp chỉ số bật tăng mạnh để chốt phiên 16/11 trên mốc 940. Hai phiên cuối tuần khả quan khi chỉ số duy trì được trạng thái tăng điểm để chốt tuần tại 969,33, tăng 14,8 điểm tương ứng 1,55% so với tuần trước đó.
VIC, VHM cùng với HPG là 3 trụ cột chính giúp VN-Index hồi phục trong tuần, riêng 3 mã này đã giúp chỉ số chính tăng 19,1 điểm. Chiều giảm điểm vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ NVL khi cổ phiếu này mất thanh khoản trong cả 5 phiên và giảm 30,1% trong tuần, lấy đi 6,2 điểm lên VN-Index.
Tiếp tục giải ngân ròng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trong tuần khối ngoại đã mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên HOSE, trong đó họ gom ròng 4.758 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Nước ngoài duy trì mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên HOSE tuần VN-Index đảo ngược tình thế
Trong danh mục top10 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trên HOSE, dẫn đầu là cổ phiếu STB của Sacombank với giá trị 805,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch chủ yếu ghi nhận trong hai phiên đầu tuần.
Dòng tiền ngoại theo sau mua ròng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị 619,2 tỷ đồng. Tuần qua, HPG có nhịp tăng gần 22,8% và là một trong những lực đỡ tích cực nhất trên thị trường. Trong phiên cuối tuần, thanh khoản khớp lệnh của HPG phiên hôm nay đạt xấp xỉ 100 triệu đơn vị, mức cao nhất trong lịch sử cổ phiếu thép này và cũng là con số lớn nhất thị trường chứng khoán ngày 18/11.
Trong phiên có gần 24,6 triệu cổ phiếu HPG được khớp ở giá trần 15.200 đồng/cp. Giá khớp trung bình là 14.906 đồng/cp. Kết phiên, giá HPG dừng ở 15.100 đồng/cp, tăng 6% so với tham chiếu và tương ứng với vốn hóa 87.803 tỷ đồng. Nếu so với ngày đầu năm 2022, giá HPG vẫn còn đang kém khoảng 59%.
Bên cạnh đó, giao dịch tương tự trong tuần cũng được ghi nhận ở một số cái tên thuộc nhóm vốn hóa lớn như SSI (378,5 tỷ đồng), KDH (368,5 tỷ đồng), VIC (344,9 tỷ đồng), VHM (321,5 tỷ đồng), CTG (283 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn không có nhiều điểm nhấn khi không có mã nào ghi nhận giá trị rút ròng hơn trăm tỷ đồng. Cụ thể, cổ phiếu DGC bị bán ròng nhiều nhất với 95,8 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 1,7 triệu đơn vị.
Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng như VPB (64 tỷ đồng), VCB (62,1 tỷ đồng), MBB (60,2 tỷ đồng), FTS (33,5 tỷ đồng).
Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng là MWG (63,2 tỷ đồng), SAB (51,2 tỷ đồng), KDC (50,9 tỷ đồng), FUESSVFL (48,7 tỷ đồng), DXG (42,1 tỷ đồng), ...
Khối ngoại duy trì gom ròng gần 185 tỷ đồng trên HNX
Giao dịch cùng chiều với sàn HOSE, NĐT nước ngoài duy trì xu hướng mua ròng trên sàn HNX, quy mô giảm 48% so với tuần trước, còn 184,5 tỷ đồng.
Cụ thể, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam với giá trị 113,2 tỷ đồng, quy mô bỏ xa các mã còn lại trong Top 5. Dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã IDC (42 tỷ đồng), CEO (4,71 tỷ đồng), VCS (3,34 tỷ đồng), SHS (2,86 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, danh mục bán ròng có sự xuất hiện của nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ thanh khoản thấp. Trong đó, HAT dẫn đầu Top bán ròng với giá trị 1,25 tỷ đồng. Hoạt động rút vốn sau đó trải dài ở các cổ phiếu CDN, HTP, KHS, DAD, ... với quy mô dưới 1 tỷ đồng.
VEA dẫn đầu Top mua ròng trên thị trường UPCoM
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục xu hướng mua ròng với quy mô 56 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng 4,1 tỷ đồng cổ phiếu WSB của Bia Sài Gòn - Miền Tây. Kế đó, SKH bị bán ròng 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VTP (2 tỷ đồng), QTP (0,2 tỷ đồng), C4G (0,2 tỷ đồng).
Ở phía ngược lại, cổ phiếu VEA của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam được NĐT nước ngoài mua ròng trở lại với giá trị 13,6 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như BSR (12,1 tỷ đồng), MCH (8,5 tỷ đồng), ACV (7,9 tỷ đồng), QNS (4,9 tỷ đồng).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/