|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư không nên bán ra chứng chỉ quỹ khi thị trường rung lắc

08:00 | 19/11/2022
Chia sẻ
Tại Việt Nam, theo quy định, các quỹ mở trái phiếu phải đầu tư tối thiểu 80% tiền của Nhà đầu tư vào các trái phiếu niêm yết, trái phiếu chính phủ, tiền gửi hoặc chứng chỉ tiền gửi của các TCTD... Ngoài ra, các quỹ mở còn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát trong mọi hoạt động đầu tư và được tổ chức kiểm toán độc lập hàng năm để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Vì vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị nhà đầu tư nên cân nhắc đến giá trị thật của tài sản mà Quỹ đang nắm giữ trong tương quan với tình hình thanh khoản chung của thị trường, cẩn trọng với quyết định bán ra chứng chỉ quỹ vào thời điểm này, vì có thể sẽ thiệt hại về tài sản.

Nhìn từ thị trường trái phiếu thế giới

Tại Hàn Quốc, năm 2022 chứng kiến sự tụt dốc về dòng vốn của các doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu, khởi nguồn từ việc niềm tin của giới đầu tư bị lung lay sau vụ rủi ro trái phiếu của công ty Legoland Korea Resort. Korea Electric Power, công ty điện lực lớn nhất của Hàn Quốc, đang được xếp hạng tín dụng AAA, chỉ huy động được một nửa số tiền mà công ty nhắm đến trên thị trường trái phiếu vào tháng trước, đã cho thấy nguồn vốn cho nợ doanh nghiệp đang bị siết chặt.

Bên kia bán cầu, thanh khoản - một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoạt động hiệu quả của thị trường trái phiếu Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Độ sâu thị trường, thước đo cung - cầu đối với các tài sản có tính thanh khoản, có thể giao dịch (dựa trên số lượng lệnh mua - bán mở cho một tài sản nhất định) cũng ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020, theo số liệu từ JPMorgan. “Thị trường đang ở giai đoạn rất dễ tổn thương”, Greg Peters, Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income cho hay.

 

Nhà đầu tư cần bình tĩnh và tin tưởng vào những quỹ có uy tín

Hiện nay, quỹ mở dần trở thành loại hình đầu tư được ưa thích nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân với quy mô đầu tư vừa và nhỏ bởi tính linh hoạt và đa dạng trong nhóm ngành đầu tư của quỹ mà bản thân cá nhân không thể đầu tư với số vốn nhỏ. Trong đó, với các quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý chuyên nghiệp, danh mục đa dạng, đầu tư vào các tài sản trái phiếu niêm yết có chất lượng của các doanh nghiệp tốt, thường có tài sản đảm bảo để dễ dàng xử lý.

Tại Việt Nam, theo quy định của Bộ Tài Chính, các quỹ mở trái phiếu chỉ được đầu tư tối đa 10% vào các trái phiếu chưa niêm yết với các điều kiện về quyền bán lại trái phiếu trước hạn và tối thiểu 80%vào trái phiếu niêm yết, tiền gửi hoặc các chứng chỉ tiền gửi.

Ngoài ra, các quỹ mở còn chịu sự giám sát chặt chẽ của ngân hàng giám sát trong các hoạt động đầu tư để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đồng thời, Quỹ phải được kiểm toán bởi các Tổ chức kiểm toán độc lập được Bộ Tài Chính chấp thuận để đảm bảo minh bạch.

Vì vậy, trong bối cảnh thị trường ổn định, đây là sản phẩm đầu tư an toàn, minh bạch với danh mục tài sản đa dạng và có tính thanh khoản cao do đa phần được niêm yết và giao dịch tập trung.

Với các diễn biến hiện nay, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh và tin tưởng vào những quỹ có uy tín, được giám sát bởi các tổ chức tài chính lớn. Đơn cử, Quỹ mở TCBF được cấp phép bởi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, được quản lý đầu tư độc lập và Ban Đại Diện được bầu chọn bởi các nhà đầu tư của quỹ.

Quỹ được quản trị và giám sát hoạt động độc lập bởi Ngân hàng Standard Chartered, được kiểm toán thường niên bởi Công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young Việt Nam. Tiền mặt và tài sản đầu tư của Quỹ đều đang được gửi và lưu ký tại Ngân hàng Standard Chartered.

Danh mục tài sản của Quỹ có trên 90% là trái phiếu đại chúng được phát hành bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, được niêm yết và giao dịch minh bạch tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Gần đây nhất, Ban Quản lý Quỹ TCBF đã gửi khuyến nghị, kêu gọi Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ chứng chỉ quỹ trong thời gian này. Thị trường trái phiếu đang có nhiều biến động dẫn đến tâm lý lo sợ của Nhà đầu tư đối với Trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang lo lắng về chất lượng tài sản của Quỹ Trái phiếu.

Thêm vào đó, thanh khoản thấp trên cả thị trường chứng khoán và tiền tệ dẫn đến nhu cầu bán ra nhiều hơn nhu cầu mua vào, giá thị trường thực khớp đang thấp hơn giá trị thật của trái phiếu (giá trị thật được tính bằng mệnh giá + lãi tích lũy cộng dồn). 

Những yếu tố này làm giảm định giá của Quỹ theo phương pháp điều chỉnh theo giá thị trường (mark-to-market) trong khi giá trị thật của tài sản trái phiếu trong điều kiện doanh nghiệp phát hành hoạt động bình thường, thanh toán các nghĩa vụ đầy đủ nên được tính bằng mệnh giá cộng với lãi tích lũy cộng dồn.

Ví dụ: ngày 15/11/2022 giá trị tài sản của Quỹ TCBF theo định giá mark-to-market là 10.964 tỷ, thấp hơn 1.170 tỷ đồng so với giá trị thật là 12.134 tỷ. Như vậy, NAV/CCQ theo mark-to-market và công bố để NĐT giao dịch là 14.851,90 đồng, thấp hơn Giá trị thật/CCQ là 16.280,06 đồng. 

“Không nên thực hiện việc bán lại chứng chỉ quỹ với giá NAV/CCQ hiện tại để tránh thiệt hại không đáng có. Khi Nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ, theo quy định, Quỹ TCBF phải dùng giá mua lại là giá NAV/CCQ mark-to-market (tức là thấp hơn giá trị thật trong bối cảnh thị trường hiện nay), gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT”, Quỹ TCBF khuyến nghị gửi khách hàng.

90 ngày là “thời gian vàng” để nhà đầu tư có thể ổn định lại tâm lý

Trong trường hợp thị trường vẫn tiếp tục rung lắc, và xu hướng rút vốn ròng từ các quỹ trái phiếu không dừng lại, các quỹ trái phiếu trên thị trường sẽ phải thực hiện bán thanh lý các tài sản đầu tư trên danh mục của mình để đáp ứng thanh khoản cho khách hàng.

Tại Việt Nam, theo Quy định của Bộ Tài Chính, các quỹ được tạm dừng giao dịch 90 ngày trong bối cảnh bất khả kháng. Các chuyên gia cho rằng, 90 ngày tạm dừng giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ sẽ là “thời gian vàng” để nhà đầu tư có thể ổn định lại tâm lý, qua đó đưa ra một quyết định chính xác hơn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, trách nhiệm của Quỹ là thực hiện lệnh của các nhà đầu tư; các quỹ nhận tiền từ NĐT thì cần bảo vệ tài sản và thực hiện các yêu cầu từ phía NĐT. Cũng theo ông Hiếu, đây là thời điểm khó khăn cho NĐT khi phải cân nhắc xem việc rút tiền ra khỏi các quỹ có lợi không. Khi Nhà đầu tư yêu cầu được rút tiền, Quỹ có thể phải bán tài sản dưới mức giá trị thật để đảm bảo thanh khoản.

Khi thị trường đang ở vị thế cung tài sản nhiều hơn cầu, các Quỹ đầu tư có thể phải xem xét tạm dừng các động thái rút vốn để có thời gian cho thị trường hồi phục nhằm bảo vệ giá trị tài sản của Quỹ, tránh bán tài sản dưới giá trị thực.

Việc tạm dừng hoạt động cũng là thời gian để Công ty quản lý quỹ dự phóng các dòng tiền hợp lý để tiếp tục giao dịch sau đó, qua đó bảo toàn tài sản và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NĐT. Dù quỹ tạm dừng giao dịch, nhưng các NĐT tiếp tục nắm giữ chứng chỉ quỹ vẫn được hưởng lợi tức đến từ các tài sản do Quỹ nắm giữ.

Bích Thu