Khối ngoại dứt chuỗi mua ròng 5 tuần liên tiếp, trở lại bán ròng hơn 1.050 tỷ đồng trên HOSE tuần VN-Index mất gần 28 điểm
Diễn biên của thị trường thế giới đã trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần. Đáng chú ý là phiên giảm mạnh của thị trường hàng hóa vào phiên tối ngày 5/7 đã kéo nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa như dầu khí, hóa chất, phân bón, thủy sản… giảm theo, từ đó kéo VN-Index giảm mạnh nhất trong tuần, rơi về dưới mốc 1.150.
Tại vùng dưới 1.150, thanh khoản hụt hơi, ghi nhận phiên có giá trị giao dịch thấp nhất trong năm khi giá trị khớp lệnh trên HOSE phiên 6/7 chưa đến 8.000 tỷ đồng. Diễn biến nhà đầu tư đã hạn chế bán thấp (cạn cung) giúp VN-Index hồi phục liên tiếp 2 phiên để chốt tuần tại 1.171,31, giảm 27,59 điểm, tương đương 2,3% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Nhóm ngân hàng tiếp tục là trụ đỡ giúp VN-Index đỡ tiêu cực hơn trong tuần, đóng góp 6 vị trí đầu tiên với tổng điểm đóng góp 10,2 điểm. Chiều giảm điểm, GAS dẫn đầu với mức ảnh hưởng 6,2 điểm, tiếp theo là MSN với 3,3 điểm. Các cổ phiếu hóa chất (DGC), phân bón (DCM, DPM), bán lẻ (MWG, PNJ) ghi nhận mức giảm từ 8 – 14% trong tuần.
Liên quan đến giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, khối này bán ròng khá mạnh với giá trị 1.054 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng 1.123 tỷ đồng. Đây là tuần đầu tiên trong 6 tuần liên tiếp họ bán ròng.
Tập trung rút vốn khỏi ccq FUEVFVND
Trên HOSE, tâm điểm bán ròng là chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) với giá trị 233 tỷ đồng.
Kế đến, tại thị trường cổ phiếu VHM của Vinhomes cũng bị bán ròng 164 tỷ đồng. Mới đây Hội đồng quản trị Vinhomes vừa thông qua việc chuyển nhượng nội bộ cổ phần tại CTCP Vinpearl Landmark 81. Sau chuyển nhượng, công ty sẽ không còn sở hữu cổ phần và không còn là công ty mẹ của Vinpearl Landmark 81. Bên nhận chuyển nhượng không được công bố.
Theo dõi giao dịch cho thấy rằng dòng tiền ngoại còn rút ra ở một số cổ phiếu với quy mô trên 100 tỷ đồng như GAS (143 tỷ đồng), DXG (137 tỷ đồng) và SSI (104 tỷ đồng). Các mã bị bán ròng dưới 100 tỷ đồng có thể kể đến như HPG (92 tỷ đồng), MSN (84 tỷ đồng), VCB (84 tỷ đồng), MWG (74 tỷ đồng) và KDC (56 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu VNM của Vinamilk dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 237 tỷ đồng. Thống kê cho thấy lực cầu của khối ngoại là một trong những bên nâng đỡ thị trường trước áp lực xả mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân.
Dòng tiền ngoại còn đổ vào một số mã nhóm tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán như STB (109 tỷ đồng), VIB (45 tỷ đồng), VND (26 tỷ đồng).
Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn nhóm bất động sản như ngân hàng khác như HDG (43 tỷ đồng), NLG(31 tỷ đồng), DIG (27 tỷ đồng). Danh mục Top10 mã được mua ròng mạnh nhất còn có FUESSVFL (69 tỷ đồng), VHC (60 tỷ đồng), BVH (33 tỷ đồng).
Bán ròng 40 tỷ đồng trên HNX
Cùng xu hướng giao dịch trên HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 40 tỷ đồng trên HNX, tương đương hơn 1 triệu cổ phiếu bị rút ròng. Thống kê cho thấy, xu thế thoái vốn trên HNX kéo dài trong 3 tuần gần đây.
Cổ phiếu PMC của Dược phẩm Dược liệu Pharmedic là tâm điểm bán ròng với gần 17 tỷ đồng. Mã này chủ yếu bị bán ròng trong phiên 6/7, với giá trị gần 17 tỷ đồng. Những mã khác trên HNX bị bán 3 - 9 tỷ đồng có NVB, SHS, BVS, PLC.
Ở chiều mua vào, các cổ phiếu đều ghi nhận lực mua không quá nổi bật với giá trị trên dưới 1 tỷ đồng. Mã PVS được mua mạnh nhất (1 tỷ đồng), theo sau là SD5, PCG, PVC, TA9 hút ròng dưới 1 tỷ đồng.
Chưa ngừng xả BSR trên thị trường UPCoM
Tương tự với 2 sàn còn lại, khối ngoại bán ròng hơn 135 tỷ đồng trên thị trường UPCoM, quy mô rút vốn tăng 86% so với tuần trước đó.
Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu dầu khí tiếp tục bị bán ròng mạnh trong tuần này. Mã BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn có giá trị bán ròng gần 93 tỷ đồng, đứng sau là VEA (39,2 tỷ đồng).
Có thể thấy sau nhiều tuần gom ròng liên tiếp, khối ngoại đã chuyển hướng rút ròng khỏi BSR trong 2 tuần gần đây khi giá cổ phiếu có xu hướng quay đầu điều chỉnh từ vùng đỉnh lịch sự. Tính riêng trong tuần này, thị giá BSR đã bốc hơi 15%. Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, những mã còn lại bị bán dưới 5 tỷ đồng như QTP, ACV, SIP.
Ở chiều mua vào, QNS tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại với 5,8 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong danh mục như FOC (2,4 tỷ đồng), VGG (0,7 tỷ đồng), MPC (0,3 tỷ đồng), HU4 (0,3 tỷ đồng).