Khối ngoại đẩy mạnh xả ròng 4.720 tỷ đồng trên HOSE trong tuần chốt NAV quý I
Trong tuần chốt NAV quý I (25 – 29/3), VN-Index đã giảm hơn 1% trong phiên đầu tuần. Tại mốc 1.260 lực cầu đã xuất hiện và giúp VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên và tiếp tục giúp chỉ số tăng mạnh 1,13% trong phiên tiếp theo, thành công chinh phục 1.280.
Trong 2 phiên sau đó, đà tăng đã giúp VN-Index vượt mốc 1.290 tuy nhiên áp lực bán đã đẩy VN-Index lùi lại chốt tuần tại 1.284,09. So với cuối tuần trước chỉ số đã tăng 2,29 điểm, tương đương 0,18%.
Dẫn dắt đà tăng trong tuần là bộ đôi cổ phiếu ngân hàng TCB và VPB với mức đóng góp lần lượt 2,41 điểm và 1,89 điểm cho VN-Index. VIC xếp thứ 3 với mức tác động 1 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực cũng có sự xuất hiện của hai ông lớn ngành ngân hàng là BID và VCB với mức tác động lần lượt là 2,9 điểm và 2,06 điểm.
Về thanh khoản, tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 27.460 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị bình quân phiên ở mức 24.249 tỷ đồng, giảm 20,8% so với tuần trước và 9,3% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Trong tuần qua, khối ngoại duy trì áp lực bán mạnh trong tuần với tổng giá trị bán ròng 4.720 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, MSN là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 1.500 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top rút ròng. Giao dịch bán ròng cổ phiếu của Tập đoàn Masan trong tuần qua chủ yếu là bán thỏa thuận.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu MSN, gần đây Goverment of Singapore đã bán 545.800 cổ phiếu MSN trong phiên 13/3, hạ sở hữu xuống 31,6 triệu cp, tương ứng với 2,21% vốn. Theo đó, tổng sở hữu cả nhóm cổ đông GIC Private Limited (gồm Goverment of Singapore và Ardoris Invesment) giảm xuống 71,2 triệu cp, tương ứng với 4,98% vốn, không còn là cổ đông lớn.
Đứng thứ hai trong danh mục xả ròng của khối ngoại là VND với quy mô 807 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, cổ phiếu của Chứng khoán VNDirect bị NĐT nước ngoài bán ròng 5 phiên liên tục với khối lượng 34,8 triệu đơn vị trong tuần công ty chứng khoán này gặp sự cố hệ thống bị tấn công. Trong đó, phiên 26/3 ghi nhận khối lượng bán ròng lớn nhất với hơn 17 triệu cp, tương ứng với giá trị hơn 395 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu VND đã giảm cả 5 phiên gần nhất đi ngược diễn biến tích cực của nhóm chứng khoán. Mã VND kết phiên 29/3 tại 22.950 đồng/cp, giảm 5,6% so với cuối tuần trước.
Ngoài ra, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như VHM (738 tỷ đồng), VNM (546 tỷ đồng), VRE (343 tỷ đồng), TCB (160 tỷ đồng), HPG (158 tỷ đồng), PNJ (151 tỷ đồng), …
Ở chiều ngược lại cổ phiếu PDR dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 153 tỷ đồng trong tuần.
Cùng chiều, VPB và SSI được gom ròng lần lượt 152 tỷ và 151 tỷ đồng. Tương tự, NĐT ngoại cũng mua ròng MWG (95 tỷ đồng), HCM (69 tỷ đồng), KBC (61 tỷ đồng). Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của VSC, GVR, KDH, NVLvới quy mô dưới 50 tỷ đồng.
Trên HNX, NĐT nước ngoài mua ròng gần 37,5 tỷ đồng, nhưng bán ròng với khối lượng gần 1,3 triệu đơn vị.
Trong đó, cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam dẫn đầu bên mua với giá trị gần 64,4 tỷ đồng. Kế tiếp là IDC (37,5 tỷ đồng), DTD (11,6 tỷ đồng), MBS (11,4 tỷ đồng), TNG (7,7 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng hơn 71,3 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội. Theo sau là CEO (11 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự ở các mã như HUT (5,9 tỷ đồng), TA9 (4,4 tỷ đồng), VC7 (4 tỷ đồng), …
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng cả 5 phiên với hơn 115 tỷ đồng, tương đương khối lượng gần 6,9 triệu cổ phiếu.
Cụ thể, khối ngoại mua ròng 59,6 tỷ đồng ở cổ phiếu DDV của DAP-Vinachem. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của VEA, QNS, VGT, AAS, ... với giá trị 6,4 – 16,7 tỷ đồng.
Ở phía đối diện, nhà đầu tư ngoại rút ròng gần 6 tỷ đồng ở cổ phiếu NTC của Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như WSB, MML, IFS, VGI với giá trị dưới 1 tỷ đồng.