|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng 2.850 tỷ đồng tuần cơ cấu ETF, cổ phiếu nào là tâm điểm?

13:51 | 17/03/2024
Chia sẻ
NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 2.600 tỷ đồng trong tuần chốt danh mục quý I/2024 của 2 quỹ ETF FTSE và VNM, diễn biến này cũng đã xảy ra trong đợt review quý IV/2023.

Đà rơi của VN-Index tiếp diễn trong phiên đầu tuần giao dịch 11 - 15/3, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là nguyên nhân kéo chỉ số về vùng 1.235. VN-Index dần cân bằng và bắt đầu hồi phục nhanh, chỉ trong 2 phiên sau đó chỉ số đã vượt ngưỡng 1.270 và tiếp tục kiểm định đỉnh cũ tại 1.275 trong phiên tiếp theo (14/3).

Tại vùng đỉnh cũ, áp lực bán đã thắng thế và đẩy VN-Index lùi về chốt tuần tại 1.263,78, tăng 16,43 điểm, tương đương 1,32% so với tuần trước.

Tổng giá trị giao dịch bình quân trên toàn thị trường đạt 28.368 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, giá trị bình quân phiên ở mức 26.661 tỷ đồng, giảm -% so với tuần trước, nhưng vẫn cao hơn 19,8% so với trung bình 5 tuần.

Thống kê cho thấy cổ phiếu GVR là “công thần” lớn nhất tuần qua, với mức tăng hơn 19% trong tuần mã này đã giúp chỉ số tăng 5,74điểm. FPT và GAS lần lượt xếp hai vị trí tiếp theo khi giúp VN-Index tăng 1,92 điểm và 1,63 điểm. Chiều giảm điểm, VCB và VPB vẫn trong nhịp giảm đã khiến chỉ số chính sàn HOSE mất lần lượt 1,49 điểm và 0,66 điểm trong tuần.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng gần 2.607 tỷ đồng trên HOSE đồng trong tuần chốt danh mục quý I/2024 của 2 quỹ ETF FTSE và VNM, diễn biến này cũng đã xảy ra trong đợt review quý IV/2023. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ bán ròng hơn 2.600 tỷ đồng.

Trong đó, VNM bị khối ngoại bán ra gần 532 tỷ đồng và là cổ phiếu bị bán mạnh nhất, bỏ xa mã thứ hai là VHM với giá trị bán ròng 375 tỷ đồng.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu của Vinamilk đã bị khối ngoại bán ròng hơn 980 tỷ đồng qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm 2024 lên hơn 2.600 tỷ, lớn nhất thị trường. Kể từ khi đảo chiều tháng 10 năm ngoái, khối ngoại đã bán ròng 5 tháng liên tục trên cổ phiếu này.

Cùng chiều, khối ngoại cũng rút ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như MWG (291 tỷ đồng), MSN (267 tỷ đồng), HPG (189 tỷ đồng), VPB (187 tỷ đồng), VCB (184 tỷ đồng), SAB (170 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu FTS và EIB dẫn đầu danh mục Top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Bộ đôi này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 201 tỷ đồng trong tuần.

Tương tự, NĐT ngoại cũng mua ròng MBB (157 tỷ đồng), KDH (124 tỷ đồng) và SSI (112 tỷ đồng). Danh mục Top10 gom ròng còn có sự góp mặt của DIG (81 tỷ đồng), NLG (77 tỷ đồng), GVR (69 tỷ đồng), CTD (68 tỷ đồng) và PNJ (66 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ngược lại, trên HNX, NĐT nước ngoài bán ròng hơn 88 tỷ đồng, tương đương với khối lượng gần 4,4 triệu đơn vị.

Trong đó, khối ngoại bán ròng hơn 27,8 tỷ đồng ở cổ phiếu IDC của Tổng Công ty IDICO. Theo sau là DTD (23,8 tỷ đồng) và những giao dịch tương tự ở các mã như TIG (5,6 tỷ đồng), VGS (3,7 tỷ đồng), GKM (3,3 tỷ đồng), …

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam dẫn đầu bên mua với giá trị gần 61,7 tỷ đồng. Kế tiếp là CEO (44,5 tỷ đồng), SHS (26,9 tỷ đồng), TNG (7 tỷ đồng), BVS (4,5 tỷ đồng), … 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tục với gần 155 tỷ đồng, tương đương với khối lượng gần 5,4 triệu cổ phiếu.

Trong đó, nhà đầu tư ngoại rút ròng hơn 65,4 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn. Cùng chiều, cổ phiếu VEA bị bán ròng với hơn 62,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như CEO, SHS, TNG, BVS với giá trị 4,5 - 44,5 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, khối ngoại mua ròng 17,5 tỷ đồng ở cổ phiếu MCH của Hàng tiêu dùng Masan. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của VGT, DDV, VGG, KCB, ... với giá trị thấp hơn. 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo