|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có tuần bán ròng thứ hai liên tục, chưa dừng xả một cổ phiếu ngân hàng

14:45 | 08/04/2023
Chia sẻ
Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 773 tỷ đồng trong tuần, trong đó riêng STB đã chiếm hơn 50% giá trị bán ròng của khối này với 421 tỷ đồng.

Sau chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã gặp khó khăn tại ngưỡng 1.080. Lực bán tại vùng này đã cản đà tăng của VN-Index và sau hai phiên lưỡng lự quanh mốc 1.080, bên bán đã chiếm ưu thế đẩy chỉ số rơi về vùng 1.065 – 1.070. Diễn biến giằng co quanh khu vực 1.065 đã xuất hiện trong phiên cuối tuần và VN-Index đã thành công trụ vững tại mốc này.

Chốt tuần tại 1.069,71, VN-Index có thêm 5,07 điểm so với tuần trước đó, tương đương tăng 0,48%. TCB dẫn đầu danh sách các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần với mức đóng góp là 1,07 điểm.

Tuy nhiên diễn biến sôi động trong tuần lại thuộc về nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó DIG nổi bật với mức tăng 25,9% trong tuần và xếp thứ 4 trong top 10 lực đỡ chính của thị trường. Chiều ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số dẫn đầu là cổ phiếu VCB với mức tác động giảm 1,63 điểm.

Như vậy, thị trường trong nước khép lại tuần tăng thứ 3 liên tiếp trong chuỗi tăng 4/5 tuần vừa qua. Thanh khoản toàn thị trường trong tuần vừa qua đạt mức cao nhất kể từ tuần giữa tháng 12/2022. Trong khi dòng tiền nội đã trở lại ấn tượng thì khối ngoại quay ra bán ròng kể từ đầu tháng 4.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.  

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HOSE 

Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 773 tỷ đồng trong tuần, trong đó riêng STB đã chiếm hơn 50% giá trị bán ròng của khối này với 421 tỷ đồng.

Chi tiết cụ thể theo từng phiên, cổ phiếu Sacombank bị bán ròng trọn vẹn cả 5 phiên trong tuần qua và có tới 4/5 phiên đứng đầu danh sách bán ròng của NĐT nước ngoài. Trước đó, khối ngoại cũng bán ròng mạnh nhất cổ phiếu STB trong tháng 3 với quy mô 782 tỷ đồng.

Mặc dù chịu áp lực xả từ khối ngoại, cổ phiếu STB gần như không thay đổi giá so với tuần trước đó, hiện vẫn đang tích lũy quanh khu vực 26.000 đồng/cp.

Trong báo cáo cập nhật mới đây, Agriseco Research kỳ vọng năm 2023 Sacombank sẽ ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng các khoản tồn đọng. Đồng thời, việc sắp hoàn thành đề án tái cơ cấu sẽ mở ra nhiều triển vọng đối với ngân hàng này như tập trung nguồn lực cho hoạt động cốt lõi, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phiếu tăng vốn, … 

VND và VNM đứng ở vị trí 2 và 3 với giá trị bán ròng lần lượt đạt 121,1 tỷ đồng và 120,9 tỷ đồng. 

Tương tự, hoạt động rút vốn còn được chứng kiến ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI (102,1 tỷ đồng), KDH (97,9 tỷ đồng), PNJ (87,9 tỷ đồng), MSN (80,7 tỷ đồng), ...

Chiều mua ròng, VIC dẫn đầu với quy mô vào ròng 124,7 tỷ đồng. Theo sau, HPG cũng được mua ròng 116,5 tỷ đồng. Lực cầu ngoại dưới 100 tỷ đồng cũng tìm đến các mã HDB, VPB, CTG, VRE, NLG, HSG, ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên sàn HNX 

Trên sàn HNX, giao dịch khối ngoại nghiêng hoàn toàn về bên bán với giá trị rút ròng hơn 44 tỷ đồng.

Ở chiều mua, nhóm này rót ròng gần 8,9 tỷ đồng mua gom cổ phiếu TNG của Đầu tư và Thương mại TNG. Kế tiếp là IDJ (2,5 tỷ đồng), CEO (2,3 tỷ đồng) và các giao dịch tương tự khoảng 1 tỷ đồng như EVS, NRC, ...

Chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán ròng 32,8 tỷ đồng ở cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, theo sau là 9 tỷ đồng mã SHS. Mới đây, cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội được giao dịch ký quỹ trở lại trong quý II khi công ty công bố báo cáo tài chính năm 2022 với lợi nhuận dương. 

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội đặt chỉ tiêu doanh thu năm nay đạt 1.942,2 tỷ đồng, tăng 25,5% so với thực hiện năm 2022. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.103,4 tỷ đồng, gấp 5,6 lần. 

Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu như MBS, PLC, NVB, ... với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Giao dịch khối ngoại tuần qua trên thị trường UPCoM

Tại thị trường UPCoM, khối ngoại đảo chiều bán ròng nhẹ gần 3 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu với quy mô gần 18,1 tỷ đồng. Theo sau là PGB (6,5 tỷ đồng), MML (3,8 tỷ đồng) và các giao dịch trên dưới 2 tỷ đồng ở các mã như PAT, CST

Tại chiều bán, nhóm nhà đầu tư tập trung bán ròng các cổ phiếu VEA (13,5 tỷ đồng), VTP (6,9 tỷ đồng), CLX (3,9 tỷ đồng), NTC (3,2 tỷ đồng) hay QNS (2,1 tỷ đồng), ...

Nhìn chung, thị trường đã tăng 3 tuần liên tiếp và đà tăng đang chậm lại khi gặp vùng cản mạnh quanh ngưỡng 1.082 điểm. Thanh khoản cao nhất hơn 4 tháng vừa qua cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn chiếm ưu thế. Dòng tiền nội đang chiếm ưu thế để cân lại sức bán ròng của khối ngoại. 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo