|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại có tháng bán ròng gần 1.200 tỷ đồng trên HOSE khi VN-Index mất hơn 100 điểm

16:39 | 02/11/2022
Chia sẻ
Trong tháng 10, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.190 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 1.166 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận tháng giảm điểm mạnh thứ hai liên tục. VN-Index tạo đáy mới trong tháng 10 tại mốc 1.027,94 điểm, giảm 104,17 điểm, tương đương bốc hơi 9,2% so với tháng trước đó. HNX-Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận mức giảm 15,91% và 10,2% so với tháng 9.

Bên cạnh sự sụt giảm về điểm số, dòng tiền ghi nhận suy yếu và chưa sẵn sàng trở lại trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động. Thanh khoản giảm 19,6% so với trung bình 5 tháng trước và giảm 43,4% so với trung bình 20 tháng gần đây.

Thống kê cho thấy dòng tiền tăng vào nhóm vốn hóa lớn, trong khi giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, tài nguyên cơ bản và giảm ở nhóm xây dựng và vật liệu, thực phẩm và đồ uống, điện, nước, xăng dầu khí đốt.

Trong tháng 10, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.190 tỷ đồng trên HOSE, tuy nhiên tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 1.166 tỷ đồng.

Giao dịch rút vốn tập trung ở các nhóm tài nguyên cơ bản (1.517 tỷ đồng), bất động sản (528 tỷ đồng), hàng và dịch vụ công nghiệp (214 tỷ đồng),... Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống (1.559 tỷ đồng), hóa chất (823 tỷ đồng), bán lẻ (392 tỷ đồng),... dẫn đầu trong danh mục thu hút dòng tiền ngoại.

Cổ phiếu EIB dẫn đầu Top bán ròng trên HOSE với quy mô hơn 3.340 tỷ đồng

 Cổ phiếu EIB dẫn đầu Top bán ròng trên HOSE với quy mô hơn 3.340 tỷ đồng. (Ảnh: Thu Thảo).

Trong danh mục top10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng trên HOSE, dẫn đầu là cổ phiếu EIB của Eximbank với giá trị 3.341,1 tỷ đồng, trong đó giao dịch chủ yếu thực hiện qua kênh thỏa thuận vào tuần cuối tháng 10. Theo Mirae Asset Việt Nam, có khả năng đây là giao dịch thoái vốn của cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Dòng tiền ngoại theo sau rút ròng khỏi cổ phiếu HPG của ông lớn ngành thép Hòa Phát với giá trị 1.690 tỷ đồng. Thống kê giao dịch cho thấy khối ngoại liên tục rút vốn khỏi cổ phiếu HPG trong khoảng 4 tháng trở lại đây.

Bên cạnh đó, giao dịch tương tự trong phiên cũng được ghi nhận ở một số cái tên thuộc nhóm tài chính ngân hàng và địa ốc như STB (520 tỷ đồng), VND (366,4 tỷ đồng), VHM (323 tỷ đồng), NVL 9266,7 tỷ đồng), DXG (203 tỷ đồng).

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trở lại chiều mua, cổ phiếu VNM của Vinamilk thu hút vốn ngoại nhiều nhất lên tới gần 881,6 tỷ đồng trong tháng 10. Khối ngoại nối tiếp đổ 694 tỷ đồng mua gom một cổ phiếu ngành thực phẩm khác là MSN của Tập đoàn Masan.

Kế tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến FRT (364,6 tỷ đồng), trước khi gom nhẹ hơn các mã nhóm hóa chất, tài chính ngân hàng như DGC (354,6 tỷ đồng), TCB (276,3 tỷ đồng), DCM (255 tỷ đồng),  VCB (239,5 tỷ đồng), DPM (214,4 tỷ đồng).

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND và FUESSVFL lần lượt được gom ròng với giá trị 330,8 tỷ và 200 tỷ đồng.

Khối ngoại chuyển mua ròng hơn 480 tỷ đồng trên HNX

Tại HNX, khối ngoại đảo chiều mua ròng với giá trị hơn 481 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 742 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC và PVS thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng lên tới 324,9 tỷ đồng và 110,3 tỷ đồng, bỏ xa các mã còn lại trong Top mua ròng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như PVI (17,8 tỷ đồng), L14 (6,7 tỷ đồng), SHS (4,3 tỷ đồng),...

Tại chiều bán ròng, VNC và EVS dẫn đầu với giá trị bán ròng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như HLD (1,8 tỷ đồng), TVD (0,9 tỷ đồng), DHT (0,5 tỷ đồng),...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Dòng tiền ngoại duy trì bán ròng trên UPCoM

Trong khi đó, trên thị trường UPCoM, khối ngoại chưa ngừng rút ròng với giá trị 305 tỷ đồng. Với hoạt động thoái ròng trong thời gian gần đây, giá trị mua ròng từ đầu năm thu hẹp còn gần 280 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 143,6 tỷ đồng cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Kế đó VEA và PHS bị bán ròng với giá trị quanh ngưỡng 120 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VTP (24,5 tỷ đồng), NTC (7,2 tỷ đồng),...

Ở phía ngược lại, duy nhất QNS của Đường Quảng Ngãi được mua ròng trên 40 tỷ đồng. Danh mục giải ngân còn có các đại diện như MCH (25,3 tỷ đồng), ACV (23,6 tỷ đồng), OIL (5,4 tỷ đồng), PVP (4,8 tỷ đồng),...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.