|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng 800 tỉ đồng cổ phiếu trong tháng 7

12:02 | 07/08/2020
Chia sẻ
Tháng 7, bên cạnh thông tin tiêu cực liên quan đến sự trở lại của dịch COVID-19, kết quả kinh doanh 6 tháng kém khởi sắc của nhiều doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lí của NĐT. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 790 tỉ đồng cổ phiếu nhưng rót 240 tỉ đồng vào chứng chỉ quĩ ETF nội.

Thị trường chứng khoán trong tháng 7 vừa qua diễn biến kém khởi sắc với chỉ 10 phiên tăng giá và 13 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý, tính riêng ba phiên giảm sâu của VN-Index (24, 27, 29/7) sau khi Việt Nam xuất hiện ca mắc COVID-19 trở lại trong cộng đồng đã khiến chỉ số đánh mất gần 95 điểm.

Bên cạnh thông tin về dịch bệnh, mùa báo cáo tài chính quí II/2020 vào tháng 7 cũng là yếu tố tác động lên tâm lí nhà đầu tư. Kết thúc tháng 7, khối ngoại xả 787 tỉ đồng cổ phiếu trên toàn thị trường, tập trung rút vốn khỏi hai sàn.

Khối ngoại xả gần 790 tỉ đồng cổ phiếu trên HOSE

Thống kê trên sàn HOSE, NĐT nước ngoài bán ròng 786,3 tỉ đồng cổ phiếu nhưng mua ròng 239,5 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội cùng 88 tỉ đồng trái phiếu. Theo đó, giá trị bán ròng trên HOSE đạt 462 tỉ đồng cùng khối lượng 29 triệu đơn vị.

Khối ngoại rút gần 800 tỉ đồng cổ phiếu khỏi thị trường trong tháng 7 - Ảnh 1.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Top10 cổ phiếu chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại, mã HPG dẫn đầu với giá trị 316 tỉ đồng. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu không ghi nhận biến động đáng kể trong tháng 7, duy trì lình xình quanh vùng 23.000 đồng/cp.

Giữa tháng 7, Hòa Phát báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quí II khởi sắc cho thấy doanh thu thuần 20.422 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với quí II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.755 tỉ đồng, tăng 34%, trong đó cổ đông công ty mẹ hưởng lợi nhuận 2.743 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, NĐT nước ngoài thoái ròng DHC (164 tỉ đồng) và DXG (151 tỉ đồng). Liên quan đến cổ phiếu DHC của Đông Hải Bến Tre, Công ty TNHH Quản lí quĩ SSI (SSIAM) và quĩ Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P đã đăng kí bán toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu DHC (19,8% vốn điều lệ) trong thời gian từ ngày 7/7 đến ngày 5/8.

Một đơn vị khác có liên quan tới SSIAM là Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II L. cũng đăng kí bán hơn 7,6 triệu cổ phiếu DHC, tương đương 13,6% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Với mã DXG, ngày 21/7, nhóm quĩ Dragon Capital đã thay đổi số cp sở hữu tại Đất Xanh từ 94,28 triệu cp (tương tương 18,17% vốn điều lệ) xuống 93,18 triệu cp (17,96%).

Mặt khác, các mã chịu áp lực xả trăm tỉ đồng từ NĐT nước ngoài còn có VCB (143 tỉ đồng), MSN (122 tỉ đồng), DBC (111 tỉ đồng) và CII (108 tỉ đồng). Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút khỏi cổ phiếu GAS và VJC lần lượt 99 tỉ đồng và 94 tỉ đồng.

Top10 mã thu hút dòng vốn ngoại trong một tháng vừa qua gồm ba chứng chỉ quĩ và 7 cổ phiếu. Giá trị giao dịch cụ thể của các chứng chỉ quĩ ETF nội, khối ngoại gom FUESSVFL (103 tỉ đồng), theo sau là FUEVFVND (95 tỉ đồng) và E1VFVN30 (45 tỉ đồng).

Tại giao dịch cổ phiếu, khối ngoại mua ròng mạnh nhất PLX (493 tỉ đồng). Trong những phiên giao dịch đầu tháng 7, thị trường liên tiếp xuất hiện giao dịch thỏa thuận khủng mã PLX với giá trị mỗi giao dịch trên trăm tỉ đồng.

Hoạt động mua ròng của khối ngoại bất chấp thông tin tiêu cực liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của Petrolimex.

Tập đoàn báo lỗ đậm 1.080 tỉ đồng 6 tháng đầu năm do tác động kép từ giá dầu và dịch COVID-19. Mặc dù PLX ghi nhận lãi ròng quí II/2020 đạt 733 tỉ đồng nhưng không bù đắp được khoản lỗ 1.813 tỉ đồng trong quí I.

Cổ phiếu KDC ghi nhận giá trị mua ròng 257 tỉ đồng trong một tháng. Phần lớn giá trị giao dịch của mã này đóng góp từ lần gia tăng sở hữu cuối tháng 7 của nhóm quĩ Dragon Capital từ 21,73 triệu cổ phiếu lên 25,66 triệu cổ phiếu, tương đương 12,84% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, ba cổ phiếu còn lại được NĐT nước ngoài gom trên trăm tỉ đồng gồm VHM (204 tỉ đồng), VRE (123 tỉ đồng) và CTG (108 tỉ đồng). Ngoài ra, dòng vốn ngoại rót vào cổ phiếu VCI và TLG lần lượt 48 tỉ đồng và 41 tỉ đồng.

NĐT nước ngoài tập trung bán ròng SHB trên HNX

Diễn biến tương tự trên HNX, khối ngoại bán ròng 18,2 tỉ đồng với khối lượng hơn 4 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại rút gần 800 tỉ đồng cổ phiếu khỏi thị trường trong tháng 7 - Ảnh 2.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Trong đó, cổ phiếu SHB dẫn đầu phía bán ròng với giá trị 25,5 tỉ đồng bất chấp thông tin được Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm với triển vọng ổn định. Theo sau đó, khối ngoại xả cổ phiếu PVS (13,4 tỉ đồng). 6 tháng đầu năm, PVS đạt 8.714 tỉ đồng doanh thu thuần, 393 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 2% và 29% so với cùng kì năm 2019.

Cùng với đó, NĐT nước ngoài thoái ròng khỏi cổ phiếu BVS, TNG, NRC, HDA, NTP, PSD, PGS và ACM tuy nhiên giá trị dưới 10 tỉ đồng.

Diễn biến trái chiều, khối ngoại gom cổ phiếu DHT (12,6 tỉ đồng). Bên cạnh đó, cổ phiếu AMV ghi nhận giá trị mua ròng 8,18 tỉ đồng, kế đến có VCS, PLC, WCS, SHS, IDV, PMC, DGC, SHE.   

Khối ngoại mua ròng duy nhất tại thị trường UPCoM

Giao dịch tại thị trường UPCoM, hoạt động mua ròng áp đảo với giá trị 15,6 tỉ đồng cùng khối lượng 1,24 triệu cổ phiếu.  

Khối ngoại rút gần 800 tỉ đồng cổ phiếu khỏi thị trường trong tháng 7 - Ảnh 3.

Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ Fiinpro

Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19, Cảng hàng không Việt Nam báo lãi ròng nửa đầu năm 2020 giảm mạnh 68% so với cùng kì, ghi nhận đạt 1.194 tỉ đồng. Cùng với đó, cổ phiếu ACV trên thị trường chịu áp lực xả từ khối ngoại, giá trị bán ròng cao nhất thị trường UPCoM (38 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, khối này thoái vốn cổ phiếu VGG (17 tỉ đồng), KDF (16,4 tỉ đồng) và VLC (13 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã ghi nhận giá trị bán ròng trong tháng 7 còn có BSR, QNS, ADG, UDJ, MCH và MSR.

Trong khi đó, NĐT nước ngoài tập trung gom cổ phiếu VEA (50 tỉ đồng). Ngoài ra, cổ phiếu thu hút dòng vốn ngoại còn có VTP (19 tỉ đồng), LPB (18 tỉ đồng), CTR (10 tỉ đồng). Một số mã khác cùng chiều như BCM, LTG, VAV, MH3, HND, SPC.

Ánh Hường

Dragon Capital: Thị trường tài chính biến động sau bầu cử tổng thống Mỹ, chứng khoán Việt Nam khó giảm điểm thêm
Dragon Capital nhận định việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ hai đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu biến động, giống như lần thứ nhất, thể hiện qua việc DXY tăng lên. Một số thị trường mới nổi gặp áp lực gia tăng khi dòng vốn rút về Mỹ. Điều này diễn ra trên nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.