Cổ đông chiến lược CBA bắt đầu thoái vốn tại VIB
Trong phiên 24/9, khối ngoại đã bán thỏa thuận 148 triệu cổ phiếu, tương đương 4,97% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB), thu về 2.750 tỷ đồng. Có thể ước tính giá bán ra trung bình là 18.580 đồng/cp.
Trong khi đó chốt phiên, cổ phiếu VIB được giao dịch ở 19.100 đồng/cp, tăng 3,24%. Như vậy, giá cổ phiếu được khối ngoại bán thỏa thuận đang rẻ hơn 2,7% so với giá chốt phiên hôm nay. Khối lượng mua vào của khối ngoại bằng 0, nên có thể xác định toàn bộ số cổ phiếu này được bán cho nhà đầu tư trong nước.
Khối ngoại bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB trong bối cảnh kể từ đầu tháng 7/2024, ngân hàng đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99% (148,7 triệu cổ phiếu). Trước đó, room ngoại được ngân hàng giới hạn ở mức 20,5% (611 triệu cổ phiếu) và gần như luôn trong tình trạng kín room.
Tính đến thời điểm ngày 31/7, CBA vẫn đang là cổ đông lớn nhất của VIB, nắm 19,84% vốn điều lệ của ngân hàng, ước tính tương đương gần 591 triệu cổ phiếu (sau khi tăng vốn), tương đương khoảng 97% cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.
Trong thông cáo gần nhất, Commonwealth Bank of Australia (CBA) xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ tại VIB trong ngày 24/9. Tổng số tiền mà CBA dự kiến thu về là khoảng 160 triệu USD (gần 2.700 tỷ đồng).
Theo CBA, giao dịch thoái vốn tại VIB sẽ giúp tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (CET1) tăng thêm 3 điểm cơ bản (bps), dựa trên số liệu tài sản có rủi ro tín dụng (RWA) vào ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, trong thông cáo, nhà băng đến từ Australia cũng “tin tưởng rằng VIB sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng. Và sự mở rộng trong cơ cấu cổ đông sẽ hỗ trợ cho những mục tiêu tương lai của VIB”.
CBA cũng nhấn mạnh việc thoái vốn tại VIB là phù hợp với chiến lược tập trung vào mảng ngân hàng tại khu vực Australia và New Zealand. Thông cáo không cho biết liệu CBA có tiếp tục tiến hành những đợt thoái vốn tiếp theo hay không. Sau giao dịch bán ra 148 triệu cổ phiếu, cổ đông nước ngoài vẫn đang sở hữu 243 triệu cổ phiếu vượt trần tại VIB.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 6, ban lãnh đạo VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Vào thời điểm đó, VIB chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của CBA.
Thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi VIB đã phần nào được hé lộ trong những kỳ ĐHĐCĐ những năm gần đây. Vào năm 2019, CBA đã có động thái rút khỏi HĐQT của VIB. Mặc dù khẳng định chưa rời bỏ VIB, nhưng đại diện CBA khi đó cho biết "đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu".
Chứng khoán Vietcap đánh giá việc giảm room ngoại xuống 4,99% sẽ cho phép VIB chủ động trong việc lựa chọn đối tác chiến lược tiềm năng và tận dụng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu ngân hàng có kế hoạch huy động vốn trong tương lai.
Ngược lại, Chứng khoán SSI lại tỏ ra e ngại, cho rằng động thái hạ room ngoại của VIB sẽ ảnh hưởng đến giá thoái vốn khi CBA chỉ có thể bán cho nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, SSI cho biết kế hoạch thoái vốn của họ không thay đổi kể từ năm 2018 và dự báo sẽ không có thỏa thuận khối lượng và giá bán tại thời điểm này.
Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn, SSI thông tin. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, việc tìm kiếm đối tác chiến lược có thể bị ảnh hưởng sau quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài.