Khởi nghiệp 'xanh'
Hải Nguyễn: Startup không phải là trò chơi đuổi bắt | |
Hàn Quốc 'trẻ hóa' nền kinh tế quốc gia nhờ khởi nghiệp |
Sản phẩm an toàn
Một trong những “sản phẩm” điển hình được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian qua chính là “Phiên chợ xanh” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) khởi xướng từ năm 2016.
Ngay sau đó, hàng loạt các điểm kinh doanh tương tự bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, rộ hơn, lan ra nhiều quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Cách đây vài ngày, “Phiên chợ Xanh Tết 2018” được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) tiếp tục thu hút đông đảo người dân, nhất là giới trẻ tham quan, mua sắm. Hơn 100 gian hàng tết, nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn cao, đã chinh phục được những người tiêu dùng khó tính.
Không ngạc nhiên khi chỉ cần một cú nhấp chuột trên mạng, hàng loạt điểm bán rau củ sạch, an toàn xuất hiện tràn ngập với mức giá đủ loại khiến người tiêu dùng choáng ngợp. Để bảo vệ uy tín cũng như thương hiệu của mình, một số kỹ sư, kiến trúc sư trẻ lành nghề đã chủ động rẽ hướng, chuyển sang làm “nông dân thời @”.
Chị Ngọc Hân, đang công tác tại một cơ quan truyền thông tại TPHCM chia sẻ, mô hình trồng rau thủy canh an toàn, kết hợp với chăn nuôi gia cầm của nhà chị (do chồng chị khởi xướng) đang có tiến triển rất tốt. Khách đặt hàng không chỉ gói gọn trong TPHCM mà lan ra một số tỉnh như Bình Dương, Đắk Lắk, TP Cần Thơ, Quảng Ngãi…
Các bạn trẻ Việt Nam tìm hiểu một số sản phẩm được nhuộm bằng lá cây theo quy trình thân thiện môi trường ở Chiangmai, Thái Lan |
Ngoài rau củ quả tươi sống, xu hướng sản xuất, kinh doanh xà phòng cục làm bằng tay (handmade) có tác dụng dưỡng da, mùi thơm dễ chịu, với những hoa văn độc đáo, mới lạ, ít đụng hàng cũng được triển khai ở nhiều quận, huyện tại TPHCM.
Trong chương trình Vietnam Creative Festival diễn ra cách đây không lâu, hàng ngàn lượt bạn trẻ, khách mời ngạc nhiên với sản phẩm xà phòng cục có hoa văn tranh Đông Hồ. Sản phẩm được các bạn trẻ mày mò học hỏi, tự làm và bán ra thị trường.
Hiện thực hóa ý tưởng
Anh Ngô Văn Phát, giám đốc chuyên doanh ngành rau quả tại một công ty ở quận 3 (TPHCM), cho biết trên thực tế, suốt thời gian vừa qua, các cơ quan truyền thông đã phản ánh nhiều về tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
“Nếu không cảnh tỉnh, việc ăn mòn vào nguồn tài nguyên nói trên đồng nghĩa với việc chúng ta đang ăn mòn cả tương lai. Vay trước trả sau, thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu nặng nề từ những cơn giận dữ của môi trường. Xuất phát từ ý niệm này, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động khởi nghiệp bằng đam mê, cho ra đời các sản phẩm đồ ăn, thức uống, hàng hóa sử dụng hàng ngày theo hướng thân thiện với môi trường”, anh Ngô Văn Phát nói.
Công ty của anh Phát cũng là một trong những đơn vị thường xuyên “săn đầu người” (tìm những nhân tài giỏi chuyên môn nghiệp vụ về làm cho công ty hoặc giới thiệu cho đơn vị khác); đồng thời cũng là nhà đầu tư cho những bạn trẻ khởi nghiệp. Riêng năm 2017 vừa qua, công ty của anh đã hỗ trợ thành công hàng chục doanh nghiệp non trẻ.
Trao đổi thêm về xu hướng khởi nghiệp xanh, trong đó có khai thác các sản phẩm du lịch “xanh” (thân thiện môi trường), anh Vương Thế Vĩ, Tổng Giám đốc Công ty Chiangmai Hidden Charm Travel, khẳng định đây là một trong những xu hướng tất yếu. Công ty anh Thế Vĩ (có trụ sở tại Thái Lan) thường xuyên đón các bạn trẻ Việt Nam sang tham quan, mua sắm, tìm hiểu vẻ đẹp của Chiangmai. Trong số khách tham quan, nhiều người có mục đích học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm để về phát triển du lịch tại Việt Nam.
Theo anh Vương Thế Vĩ, để sản phẩm du lịch “sống” được, ngoài việc nắm bắt tốt tâm lý, nguyện vọng du khách cần có “môi trường” du lịch thực sự tốt. Chẳng hạn như việc đảm bảo vệ sinh môi trường, quan tâm đến các nhu cầu tối thiểu nhất của du khách, giúp du khách hài lòng…
Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng cuộc sống. Khởi nghiệp “xanh” chính là xây dựng một “hệ sinh thái xanh” cho hiện tại và tương lai, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế mỗi cá nhân cũng như nền kinh tế nước nhà.
Các chuyên gia du lịch phân tích, ngành du lịch vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết khai thác du lịch theo đúng mục đích và tôn chỉ này. Quả thực, cứ nhìn vào con số hơn 10 triệu lượt du khách quốc tế đến Chiangmai năm 2017, trong khi dân số của tỉnh này chỉ ngót nghét 1,7 triệu dân khiến những người làm du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp, phải suy ngẫm. |