Khởi nghiệp ở Việt Nam: 'mới có hoa, chưa ra quả'
Từng cho rằng thủ tục hành chính đang là rào cản khiến nhiều nhà đầu tư ngại rót tiền vào startup Việt Nam, có nhiều nhà đầu tư thậm chí “ép” công ty khởi nghiệp Việt Nam lập doanh nghiệp ở Singapore để thuận tiện cho việc rót vốn, nhưng ông Dzung Nguyen - Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan – cũng cho biết thị trường Việt Nam rất tiềm năng nên dòng tiền vẫn đổ về mặc cho có rào cản này kia.
Trong cuộc nói chuyện với ICTnews gần đây, ông Dzung cho biết Việt Nam có quy mô dân số lớn, đứng thứ hai trong Đông Nam Á sau Indonesia; về GDP, Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực, và không ngừng tăng lên. Thêm vào đó, dân số Việt Nam trẻ, tỷ lệ dùng Internet cao, khả năng thích ứng công nghệ mới nhanh chóng, do đó đây vẫn là một thị trường tiềm năng, kích thích nhà đầu tư đổ tiền vào.
Người làm việc vào buổi sáng cuối tuần tại một không gian làm việc chung ở TP.HCM. (Nguồn: H.Đ - Itcnews) |
Ngoài ra, hiện nay đang có xu hướng xây dựng công ty khu vực. Ví dụ một công ty có trụ sở ở Singapore, Thái Lan chẳng hạn, khi đủ tiềm lực thường muốn mở rộng kinh doanh sang các nước lân cận. Trong khi đó, ở Đông Nam Á thì Việt Nam có thể được xếp vào nhóm 6 quốc gia lớn, có GDP lớn và dân số đông. Do đó, khi mở rộng công ty thì các nước sẽ chọn thị trường là một trong 6 quốc gia này để đầu tư, do đó Việt Nam sẽ được cân nhắc đưa vào danh mục chi tiền. Nếu phải mở rộng ra 6 nước trong khu vực, thì Việt Nam gần như nước mà công ty đó phải có mặt.
Đây chính là lý do mà chính phủ đang có những chương trình để đẩy Việt Nam lên đứng vị trí cao trong các nước ASEAN, ví dụ đang từ ASEAN 6 lên ASEAN 3.
Do thuộc nhóm các nước được chú ý trong Đông Nam Á, nên nếu một công ty khởi nghiệp đứng số 1 ở Việt Nam thì sẽ có cơ hội được các tập đoàn lớn chú ý đầu tư hoặc mua lại.
Thêm vào đó, dân số Việt Nam trẻ, lượng người lao động công nghệ cao vừa đủ và đồng đều. So với Thái Lan và Indonesia thì lương một kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn thấp hơn nên đây là một nguồn lực để phát triển khởi nghiệp công nghệ. Xét riêng về phát triển một ứng dụng, thì rõ ràng chi phí làm ở Việt Nam rẻ hơn ở Singapore, Thái Lan, Indonesia; dĩ nhiên trong việc tối ưu sản phẩm về giao diện và trải nghiệm người dùng thì chưa tính vào.
Tuy vậy, thu nhập đầu người ở Việt Nam vẫn chưa cao, đặc biệt ở giới trẻ, nên sức mua (purchasing power) không lớn. Vì vậy những trang web mang tính chất cộng đồng hiện nay có lượng người dùng cao, visit lớn, nhưng để biến lượng người dùng này thành nhóm trả tiền thì tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, dù tiềm năng nhưng cần tìm cách để khai thác thị trường này.
Đối với những người trẻ, chưa có việc làm, đang là những người dùng sản phẩm hiện nay, thì khi họ lớn lên, đi làm và có thu nhập thì có thể sẽ mua sản phẩm. Do đó các công ty khởi nghiệp có lượng người dùng lớn cần chờ đợi đến 3-5 năm sau để lớp người dùng của họ trưởng thành, làm ra tiền để trả cho sản phẩm.
Nói về các nhà đầu tư hiện nay ở Việt Nam, ông Dzung cho biết lượng nhà đầu tư nhỏ, tầm khu vực Đông Nam Á, đầu tư khoảng 300.000USD trở lại cho một startup thì đang có nhiều, tuy nhiên vẫn thiếu các nhà đầu tư lớn. Lượt đầu tư giai đoạn (serie) A khá ít, đầu tư giai đoạn B càng ít hơn.
Lượng nhà đầu tư thiên thần cũng đang tăng lên, phong trào khởi nghiệp cũng rầm rộ, nhưng mọi thứ chỉ đang trong giai đoạn khởi điểm, chưa đến giai đoạn nở bung, tạo “trái ngọt”. Đây là vấn đề chung của startup tại Việt Nam hiện nay, tức vẫn thiếu những công ty phát triển từ khởi thủy đến giai đoạn ra trái.
Trừ lĩnh vực game, ông Dzung cho biết chưa có startup công nghệ đích thực phát triển chín muồi. Các startup thương mại điện tử, truyền thông, nội dung số vẫn đang phát triển ở giai đoạn đầu; vẫn chưa có công ty công nghệ thuần túy niêm yết trên sàn chứng khoán.
Thị trường khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam chủ yếu sôi động do các nhà đầu tư nhỏ nhảy vào, giám đốc quỹ đầu tư trụ sở chính tại Nhật cho biết. Lý do đầu tư là những người này mong chờ sự thay đổi của thị trường trong tương lai. Bên cạnh đó, với số tiền nhỏ, ở các nước lớn nhà đầu tư không thể đầu tư, hoặc chỉ góp vào để lấy tỷ lệ sở hữu nhỏ trong công ty, nhưng ở Việt Nam thì với số tiền đó họ có thể nắm quyền kiểm soát hoặc là cổ đông lớn.
Thị trường Việt Nam mới chỉ dừng ở mức tiềm năng, do đó ông Dzũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước để nhiều nhà đầu tư hơn nữa nhảy vào, dòng tiền lớn hơn; cởi trói thủ tục cho cả nhà đầu tư lẫn công ty khởi nghiệp nhằm tạo môi trường thông thoáng, thì hệ sinh thái startup mới phát triển. “Khởi nghiệp không thể tự nhiên phát triển lớn lên được, cần có sự hỗ trợ của nhiều bên”, ông Dzũng nói.