|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khối BĐS khổng lồ thế chấp tại 19 ngân hàng có giá trị hơn 6,3 triệu tỉ đồng

16:50 | 20/09/2019
Chia sẻ
Tỉ trọng bất động sản trong tổng tài sản bảo đảm tại các ngân hàng có sự khác biệt rõ rệt, dao động từ 28% đến gần 91%. Con số này thể hiện sự "ưa thích" của các ngân hàng trong việc lựa chọn loại tài sản thế chấp của khách hàng.

20170615111324-tai-san

Ảnh minh hoạ (Nguồn:etleboro.org)

Theo thống kê từ báo cáo kiểm toán 6 tháng đầu năm của 19 ngân hàng, tổng giá trị tài sản cầm cố nhận thế chấp của các ngân hàng đạt hơn 10,1 triệu tỉ đồng. 

Trong đó, bất động sản vẫn là nhóm tài sản thế chấp có giá trị lớn nhất với hơn 6,3 triệu tỉ đồng, chiếm gần 63% tổng tài sản đảm bảo (TSĐB). Giá trị của TSBĐ ghi nhận là giá được ngân hàng định giá chốt tại thời điểm báo cáo tài chính.

Có thể nhận thấy, tỉ trọng bất động sản trong tổng tài sản bảo đảm tại các ngân hàng có sự khác biệt rõ rệt, dao động từ 28% đến gần 91%. Con số này thể hiện sự "ưa thích" của các ngân hàng trong việc lựa chọn loại tài sản thế chấp của khách hàng.

Với tỉ trọng này ở mức cao nhất (90,7%), ACB có lẽ là ngân hàng yêu thích tài sản bảo đảm là bất động sản hơn các ngân hàng khác. Những ngân hàng cũng có tỉ trọng bất động sản thế chấp cao là Agribank (87%); Sacombank (80%); Eximbank (76,6%) và VietBank (74,7%).

Tỉ trọng bất động sản trong tổng tài sản thế chấp tại các ngân hàng

Screen Shot 2019-09-20 at 15

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Ở chiều ngược lại, những ngân hàng có tỉ trọng bất động sản thế chấp thấp dưới ngưỡng 40% là MSB (28%), TPBank (31,2%), MBBank (34,8%) và VPBank (39,1%). Điều này đồng nghĩa với việc thay vì nhận bất động sản làm tài sản thế chấp, những ngân hàng này đang lựa chọn nhiều hơn các loại tài sản khác như: động sản, giấy tờ có giá, các khoản phải thu,...

Tại MSB, "các tài sản đảm bảo khác" lại là nhóm có tỉ trọng cao nhất (56,3%) trong tổng giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng với hơn 80.400 tỉ đồng, gấp đôi giá trị bất động sản thế chấp. 

Trong khi đó, MBBank là ngân hàng nhận khá nhiều thế chấp từ các khoản phải thu (chiếm tỉ trọng gần 31%), giá trị của nó xấp xỉ với giá trị của bất động sản thế chấp. Các TSĐB khác của ngân hàng cũng có tỉ trọng cao với tỉ trọng 26%.

Screen Shot 2019-09-20 at 16

Cơ cấu tài sản bảo đảm của các ngân hàng "ít" nhận thế chấp bằng bất động sản (Nguồn: DB tổng hợp)

Ở VPBank, tỉ trọng thế chấp bằng giấy tờ có giá và TSĐB lại ở mức khá cao khoảng 24% và 29%, mặc dù vẫn thấp hơn tỉ trọng của bất động sản thế chấp (39%). 

Khác biệt với các ngân hàng trên, tại TPBank, tỉ trọng thế chấp của các loại như bất động sản, động sản, chứng từ có giá hay tài sản khác lại không có sự chênh lệch quá lớn với nhau từ 16,6% đến 31,2%. 

Đặc biệt, TPBank có tỉ trọng động sản thế chấp khá cao so với những ngân hàng khác với 23,4%. Điều này có thể được lí giải khi TPBank là ngân hàng tập trung cho vay mạnh vào mảng cho vay mua xe thế chấp bằng chính xe mua. 

Điều này cũng diễn ra tương tự với ngân hàng VIB, tỉ trọng tài sản thế chấp là động sản lên tới 32%. Vào cuối quí II, cho vay mua ô tô chiếm khoảng 31,5% tổng cho vay khách hàng của ngân hàng.

Tỉ lệ cho vay khách hàng trên tài sản đảm bảo của các ngân hàng là bao nhiêu?

Số liệu tổng hợp cho thấy, tỉ lệ cho vay khách hàng trên giá trị tài sản đảm bảo của 19 ngân hàng tại thời điểm 30/6/2019 là 40,9%, gần như không thay đổi so với con số cuối năm 2018 là 40,6%. Tỉ lệ cho vay này tại các ngân hàng dao động từ 31,8% (tại BaoViet Bank) đến 61,5% (tại Vietcombank).

Trong 19 ngân hàng, có 5 tổ chức đã cho vay ra vượt mức 50% giá trị tài sản thế chấp gồm: ACB, Sacombank, Agribank, Nam A Bank và Vietcombank.

Ti le cho vay

Tỉ lệ cho vay khách hàng/TSĐB các ngân hàng tại 30/6/2019 (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp)


Diệp Bình