|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khoảng cách kinh tế Mỹ và châu Âu đang dần thu hẹp?

21:21 | 30/08/2024
Chia sẻ
Nếu như bước vào năm 2024, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều có chung một nhận định rằng sức mạnh kinh tế của châu Âu đang giảm dần so với Mỹ, thì hiện nay, khoảng cách này đã phần nào được thu hẹp.
 

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Eurozone đã vượt qua nguy cơ suy thoái

Kết thúc năm 2023, kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) ngấp nghé bên bờ vực suy thoái. Không có điểm sáng nổi bật trong triển vọng tăng trưởng, đặc biệt ở hai đầu tàu tăng trưởng là Đức và Pháp.

Tuy nhiên, đến cuối quý I/2024, “gió đã đổi chiều” khi dữ liệu, do Cơ quan thống kê chính thức của Liên minh châu Âu (EU) công bố, chỉ ra rằng Eurozone đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bước sang quý II/2024, tăng trưởng kinh tế của khu vực này tiếp tục duy trì mức ổn định đó. Nhưng hoạt động kinh tế của khu vực đã thể hiện sự tăng tốc ngoài dự đoán. Đáng chú ý, trong tháng 8/2024, tốc độ gia tăng của các hoạt động kinh tế đạt mức cao nhất của 3 tháng và là tháng tăng thứ 6 liên tiếp.

Kinh tế Mỹ bất ngờ gặp “cú vấp”

Trái ngược với châu Âu, kinh tế Mỹ bước vào năm 2024 với nhiều điểm sáng. Các nhà kinh tế học, các định chế tài chính lớn đều lạc quan nói rằng Mỹ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Tuy nhiên, “cú vấp” đầu tiên bất ngờ xuất hiện khi dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7/2024 của Mỹ vọt lên ngưỡng 4,3%, tăng tháng thứ tư liên tiếp.

Việc một loạt các doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ như IBM, Google và Microsoft; hay các công ty dẫn đầu về tài chính như Goldman Sachs, Citi và BlackRock; các công ty giải trí lớn như Pixar và Paramount; và các công ty khổng lồ như Tesla, Dow và Nike thông báo sa thải hàng loạt nhân sự, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu trong tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Hơn nữa, cùng tháng, số liệu do Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất của 8 tháng, nhấn mạnh về những khó khăn mà ngành sản xuất nội địa đang phải đối mặt.

Phản ứng với thông tin tiêu cực, ngày 3/8, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, cả ba chỉ số chính trên sàn giao dịch chứng khoán Phố Wall đều giảm điểm, trong đó Nasdaq trở thành chỉ số đầu tiên rơi vào trạng thái điều chỉnh, chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 5,7% và 3,9% - mức giảm theo ngày lớn nhất trong gần hai năm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng về mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023, do nhà đầu tư đổ xô mua trái phiếu để tìm kiếm kênh đầu tư an toàn. Nhiều đồn đoán cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể đã mắc sai lầm trong mục tiêu đạt được cái gọi là kịch bản "hạ cánh mềm".

Nhưng một loạt những dữ liệu kinh tế mới phát hành trong tuần này cho thấy kinh tế Mỹ không thực sự yếu như những gì mà các thị trường đã lo ngại.

Dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/8 (theo giờ Mỹ) chỉ ra rằng nền kinh tế nước này tăng trưởng 3% trong quý II/2024, cao hơn ước tính 2,8% đưa ra trước đó và gần gấp đôi mức tăng trưởng 1,6% của quý đầu năm, nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn dự đoán.

Một báo cáo khác do Chính phủ Mỹ công bố cùng ngày khẳng định số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu không thay đổi nhiều, đạt mức 231.000 đơn. Lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng còn đồng USD đi lên.

Những yếu tố này củng cố cho sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ, như đánh giá của nhà kinh tế trưởng tại Mỹ của Oxford Economics, Ryan Sweet, kinh tế Mỹ sẽ “ổn định ở tốc độ tăng trưởng bền vững hơn trong phần còn lại của năm nay và sang đầu năm sau”.

Chính sách lãi suất theo cùng một xu hướng

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). (Ảnh: Reuters).

 

Đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục, ngay từ năm 2019, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố chấm dứt giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Cho đến tháng 9/2023, sau 10 lần tăng liên tiếp, lãi suất của ECB chạm kỷ lục là 4% và duy trì ngưỡng cao này tới tháng 6/2024, khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của khu vực bất ngờ thông báo hạ 25 điểm cơ bản, đưa lãi suất chủ chốt về ngưỡng 3,75%.

Khác với ECB, trong thời kỳ đầu của lạm phát, các quan chức Fed giữ quan điểm đó chỉ là tình huống ngắn hạn và tuyên bố không can thiệp vào thị trường, với mục tiêu là để giữ cho nền kinh tế ổn định phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, lạm phát cao dai dẳng đã buộc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải xem xét lại kế hoạch và tiến hành nâng lãi suất bắt đầu từ tháng 3/2022. Mức lãi suất kỷ lục 5,25-5,5% được thiết lập từ tháng 7/2023 và giữ nguyên cho tới hiện tại.

So sánh về cách thức điều hướng chính sách tiền tệ của ECB và Fed, có thể nhận thấy rằng cả hai cơ quan này đều lựa chọn các giải pháp tương tự nhau, nhưng có khoảng cách về thời điểm thực hiện. Điều này là do bối cảnh kinh tế khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Trong những năm qua, kinh tế châu Âu đã chịu tác động nặng hơn so với kinh tế Mỹ, bởi ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng và cả lương thực. Vì vậy ECB cần phải hành động nhanh hơn, trong khi Mỹ có thể trì hoãn dựa trên sự mạnh mẽ vốn có của nền kinh tế trong nước.

Triển vọng hành động của Fed và ECB

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

 

Nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, khi kinh tế Mỹ đã xuất hiện một vài dấu hiệu giảm tốc, các thị trường tin rằng gần như chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp tháng Chín tới, để thúc đẩy tăng trưởng.

Điều này được thể hiện qua bài phát biểu mở màn Hội nghị thường niên về kinh tế Jackson Hole của Chủ tịch Jerome Powell hôm 22/8.

Trong bài phát biểu này, ông Powell đã nói rằng: “Đây là thời điểm để Fed có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, khi lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể và thị trường lao động cũng trở lại mức bình thường, với các điều kiện hiện tại đã bớt chặt chẽ hơn so với trước đại dịch.

Các hạn chế về nguồn cung đã được bình thường hóa. Và sự cân bằng rủi ro đối với hai nhiệm vụ của chúng tôi (giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế) đã thay đổi”.

Về phía ECB, thành viên Hội đồng Điều hành ECB và là Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan, Olli Rehn, cho biết nguy cơ tăng trưởng yếu tại Khu vực đồng euro đang củng cố khả năng ECB tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng Chín, nếu cuộc chiến chống lạm phát vẫn đạt tiến triển.

Thị trường hiện đang dự đoán ECB sẽ có ít nhất hai đợt cắt giảm lãi suất nữa trong năm nay. Trong khi Fed có khả năng hạ lãi suất ba lần, mỗi lần khoảng 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp vào tháng 9, 11 và 12 tới, xuống mức 4,5-4,75% vào cuối năm 2024.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệu Linh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.