Kho báu dạt vào bờ biển Venezuela, mang theo vàng và hi vọng cho một làng chài nhỏ
Đi bộ từ nhà vệ sinh trở lại túp lều lợp thiếc trên bờ biển Venezuela, người ngư dân trẻ Yolman Lares đột nhiên nhìn thấy thứ gì đó lấp lánh dọc theo bờ biển. Thọc tay qua cát, anh kéo lên một vòng cổ bằng vàng khắc hình Đức mẹ Đồng trinh Maria.
Ngôi làng Guaca nơi Lares đang sống từng là trung tâm của ngành công nghiệp chế biến cá của Venezuela, nhưng giờ đây nó trở nên tiêu điều vì tàu thuyền không có xăng để đi đánh bắt và hàng loạt nhà máy chế biến cá nhỏ phải đóng cửa. Giữa khốn khó như thế, phát hiện của anh Lares dường như là một phép màu.
Lares (25 tuổi) bộc bạch: "Tôi bắt đầu run lên, bật khóc vì sung sướng. Đây là lần đầu tiên một điều gì đó đặc biệt xảy ra với tôi".
Về nhà, Lares kể chuyện cho bố vợ, cũng là một ngư dân. Tin tức về chiếc vòng cổ vàng của Lares nhanh chóng truyền đi xa.
Ngay sau đó, rất đông trong gần 2.000 cư dân của làng Guaca bắt đầu tham gia vào cuộc săn lùng kho báu điên cuồng. Họ cày xới bờ biển và tìm kiếm quanh những chiếc thuyền đánh cá đổ nát, thậm chí ngủ trên bãi biển để bảo vệ vài mét vuông cát và tài sản đâu đó bên dưới.
Kể từ tháng 9, người dân làng Guaca đã tìm thấy hàng trăm món đồ trang sức bằng vàng và bạc, đồ trang trí và vụn vàng trôi dạt vào bờ biển. Số châu báu này khiến dân làng bối rối, song cũng giúp họ vực dậy phần nào sau cuộc khủng hoảng kinh tế dường như kéo dài vô tận của Venezuela.
Hàng chục người dân trong làng cho biết họ đã tìm thấy ít nhất một vài của quý, thường là nhẫn vàng. Theo New York Times, một số thông tin chưa được kiểm chứng cho biết một vài người dân đã bán thứ họ phát hiện được với giá lên tới 1.500 USD.
Đối với nhiều người ở làng chài Guaca, món tiền bất ngờ là thông điệp của hi vọng.
Anh Ciro Quijada, một công nhân nhà máy chế biến cá địa phương, đã tìm thấy một chiếc nhẫn vàng. Anh nói: "Chính Chúa đã sắp đặt cho chúng tôi".
Không ai biết vàng đến từ đâu và bằng cách nào chúng lại nằm rải rác dọc theo bờ biển làng Guaca. Một số dân làng gọi vàng là phước lành, trong khi số khác lo lắng một lời nguyền nào đó sẽ phủ lên bất kì ai chạm vào vàng.
Có khi nào bão làm lộ ra kho báu của cướp biển vùng Caribbe hoặc phá vỡ rương châu báu trên một tàu thuộc địa bị chìm đâu đó? Hay liệu số vàng bạc này thuộc về bọn buôn lậu hoạt động gần đó? Trong nhiều tuần qua, làng Guaca liên tục xuất hiện nhiều đồn đoán.
Sau khi bức ảnh đầu tiên về số châu báu được đăng trên Facebook, tin tức đã lan truyền khắp Venezuela. Tuy nhiên, do làng Guaca quá hẻo lánh, người dân cũng không có xăng để di chuyển đi xa và các biện pháp phòng dịch khiến người từ nơi khác không thể đổ xô đi săn vàng.
Một thử nghiệm hóa học do New York Times thực hiện trên một dây chuyền vàng phát hiện tại Guaca cho thấy mẩu trang sức này có thể được sản xuất ở châu Âu vài thập kỉ trước. Thử nghiệm cho thấy sợi dây chuyền được làm bằng vàng 18 karat chất lượng cao, vốn là loại không phổ biến trong sản xuất đồ trang sức nội địa của Venezuela.
Ông Chris Corti, chuyên gia về chế tác đồ trang sức tại Anh, đã xem xét các bức ảnh chụp những món đồ được tìm thấy ở Guaca. Ông Corti cho biết chúng dường như được sản xuất cho mục đích thương mại vào giữa thế kỉ 20. Song, ông lưu ý cần phải phân tích thêm để xác định niên đại và nguồn gốc của các món trang sức.
Nguồn gốc kho báu tại làng Guaca có thể chẳng bao giờ sáng tỏ. Còn người dân thì nhanh chóng bán những trang sức mà họ tìm thấy để mua thức ăn.
Ông Hernán Frontado, bố vợ anh Lares, nói: "Bất luận tìm thấy gì, chúng tôi đều sẽ bán ngay để nuôi mấy miệng ăn trong nhà". Trước khi tìm thấy vài món trang sức bằng vàng, ông Frontado thậm chí phải xin hàng xóm sắn, loại lương thực rẻ nhất tại Guaca, để nuôi sống gia đình.
Trước khi Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế năm 2014, Guaca và các làng lân cận từng cung cấp cá mòi và cá ngừ đóng hộp cho các nước Mỹ Latin. Bây giờ, chỉ còn khoảng 8 trong số 30 nhà máy chế biến cá mòi thô sơ trên địa bàn còn hoạt động, trong khi các nhà máy đóng hộp cá ngừ gần đó đều đã phá sản.
Tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trong năm nay đã biến suy thoái kinh tế trở thành cuộc chiến sinh tồn hàng ngày của nhiều dân làng. Họ phải bán phân nửa số cá mòi đánh bắt được cho chính phủ với mức giá rẻ mạt.
"Thật khó khăn, tôi cảm thấy như có sợi dây thừng siết quanh cổ mình", anh Lares, người đầu tiên phát hiện ra vàng, chia sẻ. Sau khi bán số vàng, Lares kiếm được 125 USD, số tiền lớn nhất từ trước đến nay mà anh kiếm được.
Lares dùng số tiền đó mua nhu yếu phẩm. Anh còn mua một ít bánh mì ngọt cho các con, lần đầu tiên sau nhiều năm bọn trẻ được ăn món này. Anh còn sửa thêm chiếc tivi bị hỏng và mua thêm một chiếc loa để gia đình giải trí.
Số châu báu giúp gia đình Lares được ăn hai bữa một ngày trở lại. Con gái út của anh đã tăng cân trong tháng vừa qua, dù cô bé vẫn còn bị suy dinh dưỡng nặng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/