Kho bạc Nhà nước sắp tiến tới '3 không': Không giao dịch tiền mặt, không người giao dịch, không chứng từ giấy
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN), ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục, thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 để sớm hình thành “Kho bạc 3 không”: không giao dịch tiền mặt, không người giao dịch, không chứng từ giấy.
Theo báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN) phát sinh hàng tháng trên DVCTT đạt 98% trở lên.
Bên cạnh đó, nhờ các tiện ích của DVCTT, toàn hệ thống KBNN đã chi trả NSNN kịp thời cho các đơn vị, ngay cả khi đại dịch bùng phát mạnh, nhất là tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tính đến hết tháng 6/2021, toàn hệ thống đã thực hiện kiểm soát trên 419.000 tỷ đồng vốn chi thường xuyên, bằng 39,4% dự toán của NSNN qua KBNN.
Đối với chi đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6, toàn hệ thống đã kiểm soát và giải ngân hơn 132.000 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua KBNN là 435.000 tỷ đồng.
Lũy kế thanh toán vốn đầu tư qua KBNN là trên 17.000 tỷ đồng, đạt 25,8% kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang là 68.000 tỷ đồng.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến công tác điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) và thực hiện nhiệm vụ huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP).
Tính đến ngày 30/6, KBNN đã huy động được 141.493 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao là 350.000 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,19 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân là 2,26%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP là 8,82 năm.