Kho bạc Nhà nước sắp bơm gần 2.400 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng
Ngày 20/5, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 100 triệu USD.
Số ngoại tệ này sẽ được mua theo hình thức giao ngay trong ngày 21/5. Ngày thanh toán dự kiến là 23/5. Nếu sử dụng giá mua USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (23.770 VND/USD), số tiền KBNN dự kiến chi ra để thực hiện giao dịch trên vào khoảng 2.377 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã có 9 đợt chào mua ngoại tệ với tổng quy mô gần 1,6 tỷ USD. Trong các đợt chào từ tháng 3 đến tháng 5, lượng ngoại tệ KBNN chào mua có quy mô khá lớn từ 100 - 300 triệu USD mỗi đợt.
Việc KBNN tổ chức đấu thầu mua USD (thông thường mục đích chính là trả nợ nước ngoài) trong khi giá trị đồng USD vẫn duy trì ở mức cao tiếp tục hỗ trợ thêm đà tăng của tỷ giá. Động thái chào mua ngoại tệ của KBNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tiếp tục neo cao.
Cụ thể, ghi nhận trong ngày 20/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.968 VND/USD, tăng 626 đồng so với đầu năm. Tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch là từ 23.770 - 26.166 VND/USD.

(Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam)
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, các chuyên gia Chứng khoán Yuanta cho biết tỷ giá tháng 4/2025 tăng với tốc độ nhanh hơn tháng 3, trong đó tỷ giá trung tâm tăng 0,5%, tỷ giá tại NHTM tăng 1,7% so với tháng trước và tỷ giá thị trường tự do tăng mạnh 2,2% so với tháng trước.
Theo Chứng khoán Yuanta, mặc dù chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) trên thị trường quốc tế suy giảm, nhưng tỷ giá trong nước tăng mạnh là do nhu cầu USD trong nước tăng cao, trong khi nguồn cung ngoại tệ chưa dồi dào, thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm chỉ ở mức thấp, đạt 3,79 tỷ USD.
Đồng thời, nhóm phân tích Yuanta nhận định rằng tỷ giá thị trường tự do sẽ hạ nhiệt bớt trong thời gian tới khi nhu cầu mua USD dự trữ, đầu tư giảm bớt. Tuy nhiên, tỷ giá trong năm 2025 có thể vẫn neo ở mức cao do những áp lực từ chính sách thuế quan.
Ở góc độ phân tích của các chuyên gia Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh các yếu tố bất định, và đặc biệt lo ngại về khả năng Việt Nam chịu mức thuế đối ứng cao, tỷ giá biến động nhiều hơn trong ngắn hạn.
Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu có thể chịu ảnh hưởng nhất định. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.
Theo VCBS, mặc dù căng thẳng thương mại đã dịu đi, nhưng các yếu tố bất định vẫn tồn tại, và chiến tranh thương mại chưa đi đến hồi kết thúc.
“Trong điều kiện Việt Nam vẫn chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất – kinh doanh”, báo cáo cho hay.