Khiêu vũ với giá dầu
Trong thời khắc cầu cảng Sydney rực rỡ ánh sáng mừng năm mới với màn pháo bông đa sắc, Lucas.V Muller, Giám đốc ngân hàng đầu tư lớn nhất của Úc, đang ngồi trong nhà hàng Sails on Lavender hờ hững cầm ly champagne mà mắt không rời khỏi màn hình máy tính. Muller đăm chiêu vì trước giao thừa vài phút đã đặt lệnh bán tháo toàn bộ tài khoản đầu tư vàng tại London sau khi cân nhắc dự báo của Ivan Martchev. Bậc thầy trong giới đầu tư quốc tế này khẳng định năm 2017, giá vàng miếng sẽ xuống dưới 1.000 USD/ounce do tác động của giá dầu.
Cách đó hai dãy bàn, tuy đang trong kỳ nghỉ Giáng sinh nhưng gia đình một doanh nghiệp sản xuất tôn kẽm tại Phú Thọ cũng đang trầm ngâm. Vì giống Muller, việc giá dầu tiếp tục rung lắc trong vùng đáy rộng đồng nghĩa với kẽm nguyên liệu được dự báo tăng giá hơn 20% trong năm mới, sẽ tiếp tục làm giảm biên lợi nhuận vốn đã mỏng trong mấy năm gần đây.
Thỏa thuận lịch sử về cắt giảm sản lượng dầu của các nước trong và ngoài OPEC lên tới 1,76 triệu thùng/ngày từ 1.1.2017 được đánh giá là một tín hiệu tích cực với giá dầu trong năm 2017. Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy giá dầu được kỳ vọng sẽ tiến dần lên 60 USD/thùng vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với nguồn dầu dư thừa mỗi ngày của cả thế giới hiện chỉ còn khoảng 1,5 triệu thùng, nếu các quốc gia trong và ngoài OPEC cam kết cắt giảm sản lượng như thỏa thuận trên, thế giới sẽ thiếu hụt dầu trong năm 2017. Đà đi lên của giá dầu bị hạn chế bởi đồng USD mạnh, sản lượng dầu Mỹ tăng và nguy cơ không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC. Như vậy, giá dầu thực sự vẫn là một ẩn số đối với kinh tế thế giới và doanh nghiệp Việt Nam.
Các nhà đầu tư quốc tế và giới chủ doanh nghiệp Việt đang xoay chuyển chiến lược ra sao trước cảnh báo mới đây nhất của World Bank về giá dầu vẫn quanh mức 55 USD/thùng sau khi đã mất giá kỷ lục từ năm 2014? Ảnh hưởng của biến động giá dầu năm 2017 lên toàn bộ 5 thị trường hàng hóa chủ chốt (năng lượng, phân bón, nông sản, kim loại quý, khoáng sản và kim loại) buộc các doanh nghiệp Việt Nam liên quan phải có những bước phòng vệ chắc chắn hơn.
Phân bón, nông sản
Hầu hết các doanh nghiệp phân bón trong nước đang gặp khó khăn chồng chất và tương lai của giá phân bón trong năm 2017 vẫn được World Bank dự báo là “kém tươi sáng”. Những cánh đồng khô hạn trải dài quanh nguồn sông Mekong hay nguồn nước ô nhiễm tại vùng châu thổ sông Lưỡng Hà không phải là nguyên nhân duy nhất làm giảm lượng tiêu thụ phân bón toàn cầu. Quá trình chế tạo phân bón, vốn là lĩnh vực thứ phẩm phái sinh của quá trình lọc hóa dầu mới chính là nguyên nhân chính của sự tuột dốc giá phân bón tới 22% trong năm 2016. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất phân bón trên toàn cầu phải duy trì sản lượng dưới công suất do sức cầu giảm mạnh từ hai quốc gia tiêu thụ lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, kéo theo giá phốt phát và ure giảm kỷ lục trong 12 năm qua, lần lượt mất hơn 20% và 11% so với năm trước.
Ảnh: tintucnongnghiep.com |
Những siêu dự án nhiều tỉ đô trải dài từ Canana, Nga, Belarus đến Brazil phải “treo” lại vô thời hạn khi giá dầu thô vốn là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp phân bón toàn cầu thiết lập đáy thấp nhất trong 7 năm. Tại Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu phân bón cả năm 2016 giảm mạnh về cả khối lượng và giá trị (ước đạt 3,7 triệu tấn với giá trị 992 triệu USD) đã kết lại một năm buồn cho cả doanh nghiệp hoạt động thương mại cũng như sản xuất phân bón.
Lực cầu trong nước yếu, cộng thêm bất lợi kép từ thiên tai và nạn phân bón giả khiến doanh số của gần 1.000 doanh nghiệp nội địa sản xuất phân bón và doanh thu của 16.000 cửa hàng kinh doanh phân bón trên toàn quốc lao đao. Việt Nam là quốc gia có số lượng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và danh mục sản phẩm phân bón nhiều nhất thế giới. Nhưng theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Quốc tế, Việt Nam lại là nước xếp vào nhóm có hiệu suất sử dụng phân bón thấp nhất thế giới. Bốn “tứ trụ” ngành phân bón trên sàn niêm yết gồm Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), Phân bón Miền Nam (SFG), Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) có kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc trong năm qua.
Ở quy mô thương mại toàn cầu, sức nóng quanh những giếng dầu trong khu vực giao tranh ở Trung Đông có khả năng lan tỏa ngay lập tức đến những cánh đồng ngô, đậu tương yên bình ở Nam Mỹ hay Bắc Á. Bởi vì, cứ 300 tỉ lít xăng mà nhân loại tiêu thụ mỗi năm, có đến hơn 10% là xăng sinh học - thứ phẩm cao cấp được chế tạo từ nông sản. Giá giao dịch ngũ cốc và ngô trên thị trường hàng hóa đã thiết lập đáy mới trong 10 năm qua khi giảm lần lượt 8% và 10% năm 2016.
Ảnh: tapchitaichinh.vn |
Hậu quả là giá trị xuất khẩu nông sản công nghiệp chủ lực của những quốc gia nông nghiệp như Việt Nam chịu tác động nặng nề từ việc xuống giá thu mua của tiêu, điều, gạo, ngũ cốc. Những vùng ngô, mía nguyên liệu thuộc quy hoạch cho các dự án hàng ngàn tỉ đồng phát triển xăng E5 sinh học Nhà máy Năng lượng sinh học Quảng Ngãi, Ethanol Bình Phước, Năng lượng sinh học Phú Thọ đang khiến hàng ngàn nông hộ điêu đứng khi giá dầu chưa có dấu hiệu phục hồi trong trung hạn.
Kim loại, than đá
Vinacomin cũng có lý do để tăng giá than vì các mỏ than ngày càng xuống sâu hơn nên chi phí tăng cao. Bên cạnh đó, thuế và phí với ngành than trong nước đã cao hơn các nước khác và đạt mức kỷ lục từ ngày 1.7 khi chiếm tới 16% giá thành, trong khi thế giới không quá 12%. Mặc dù vậy, trong biến thiên của giá dầu, những doanh nghiệp kinh doanh than như Vinacomin có tương lai khả quan hơn nhiều so với các doanh nghiệp phân bón.
Mối tương quan nghịch chiều thường thấy giữa giá dầu và than trong năm 2016 đã bị “bẻ cong” trên phạm vi toàn cầu bởi chính sách “276 ngày” của Trung Quốc. Thông lệ khi giá dầu lao dốc sẽ kéo theo các nguyên liệu khác trong ngành năng lượng như giá điện, than, khí đốt giảm theo. Tuy nhiên, năm ngoái, việc quốc gia có trữ lượng than lớn nhất thế giới áp dụng biện pháp can thiệp giảm 54 ngày khai thác tại tất cả các mỏ (từ 330 ngày xuống 276) đã trực tiếp giảm lượng cung khiến giá than đảo chiều tăng gần 30% vào quý III năm trước.
Ẩn đằng sau chính sách hành chính nhằm tái khẳng định quyền lực chi phối trên thị trường năng lượng thế giới thì không khó để nhìn thấy mục tiêu thực sự của chính quyền Đại lục. Một mặt, Trung Quốc cố gắng giữ các luồng vốn đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Thượng Hải trong cơn đại khủng hoảng vào năm ngoái kéo theo sự bốc hơi hàng tỉ USD của các doanh nghiệp sản xuất than niêm yết. Mặt khác, nước này duy trì cánh tay quyền lực nối dài tại các tập đoàn than mà họ đang góp vốn thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trên toàn cầu trong hàng thập niên qua.
Niềm vui ngắn hạn tại khu mỏ xuất khẩu lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Banpu hay tại khu vực Bắc Mỹ là Anglo American, theo chuyên gia năng lượng của Goldman Sachs, sẽ duy trì không lâu. Bởi lẽ, kể cả người khổng lồ như tập đoàn than tư nhân lớn nhất thế giới Peabodey Energy cũng đã nộp đơn xin bảo lãnh phá sản với giá trị khoản nợ 10 tỉ USD tại tiểu bang Missouri. Năm ngoái, hơn 20 công ty với gần 200 mỏ khai thác tại Mỹ đóng cửa.
Trước năm 2011, Việt Nam có vị thế là cường quốc than đá mỗi năm xuất khẩu than 21 triệu tấn. Nhưng đến năm 2016, Việt Nam đã lùi vào nhóm nước nước nhập khẩu 3 triệu tấn than. Tình hình kinh doanh khởi sắc của Vinacomin những tháng cuối năm khó có thể xoay chuyển thực tế là doanh nghiệp khai thác than và khoáng sản chiếm tỉ lệ không nhỏ trong số 34 doanh nghiệp hủy niêm yết trên sàn chứng khoán trong suốt 5 năm qua. Đây cũng là quãng thời gian mà Bloomberg thống kê giá than sử dụng cho các lò luyện kim đã giảm 75% so với mức đỉnh năm 2011. Bước sang năm 2017, tất cả các tổ chức quốc tế lớn đều đồng thuận dự báo giá than tiếp tục lùi về mức 50 USD/tấn thay vì duy trì năm ngoái 58 USD/tấn.
Ảnh: nangluongvietnam.vn |
Trong khi giá than vẫn “đen” thì giá kim loại như nhôm, nikel, kẽm, sẽ đảo ngược đà giảm và được dự báo sẽ bắt đầu tăng trưởng trên 20% trong năm 2017. Những ông lớn được hưởng lợi nhiều từ đà tăng giá có Philippines (nikel), Indonesia (kẽm), Trung Quốc (kim loại). Số lượng giao dịch tăng vọt khiến thị trường hàng hóa London hút khách ngay từ những ngày đầu năm với dòng vốn nóng đang tháo chạy khỏi thị trường vàng. World Bank dự báo thế lực chi phối sản lượng toàn cầu vẫn nằm trong tay 2 tập đoàn đa quốc gia là Glencore (Úc, Peru, Kazakhstan) và Nyrstar (Tennessee). Sức cầu tăng mạnh trong ngắn hạn với kim loại mầu có thể khiến cho thị trường thâm hụt trong ngắn hạn trước khi 2 khu mỏ lớn Gamsberg và Dugald River được đưa vào khai thác năm 2018. Trong nước, dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam khi khối lượng khớp lệnh bán ròng liên tục tăng cao những tháng cuối năm. Điểm đến mới của luồng vốn đầu tư gián tiếp này không ngoại trừ đã chảy vào tài sản trú ẩn mới là các kim loại trong bối cảnh động Chính phủ Nhật tiếp tục duy trì chính sách đồng Yen yếu và diễn biến giá vàng miếng đi vào chu kỳ giảm sâu.
Kế sách phòng vệ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên luôn chịu thiệt hại lớn nhất trong vòng xoáy của giá dầu. Chẳng hạn, mỗi thùng dầu mất giá 1 USD thì doanh thu toàn Tập đoàn giảm 5.400 tỉ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp dầu khí đều phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của năm 2016. Bởi vì, giá dầu trong năm 2016 trung bình khoảng 43 USD/thùng, nhưng kế hoạch kinh doanh trước đó được giao xây dựng trên cơ sở giá dầu 60 USD/thùng.
Không chỉ các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng trực tiếp, giá dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp tới nhiều lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Tác động giá dầu giảm đã đẩy hơn 150.000 doanh nghiệp Việt Nam vào dư chấn buộc phải thiết lập cơ chế phòng vệ để giữ biên lợi nhuận tại thị trường nội địa và cải cách chiến lược nhằm mở rộng thị phần ở thị trường nước ngoài. Quyết liệt cắt lỗ là liệu pháp đầu tiên mà hầu hết các doanh nghiệp thực hiện. Việc thắng bại trong các dự án đầu tư là câu chuyện thường ngày của thương trường nhưng cách một nữ đại gia ngành bất động sản cắt lỗ dứt khoát khi đầu tư ngoài ngành khiến giới đầu tư gỗ khâm phục. Hai năm trước khi giá dầu còn ở mức trên 70 USD/thùng, hơn 3.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất gỗ phế phẩm vẫn sống khỏe. Nữ doanh nhân này quyết định bỏ ra hơn 100 tỉ đồng đầu tư nguyên dây chuyền hiện đại bậc nhất thế giới để sản xuất viên nén mùn cưa nhằm tận dụng gỗ nguyên liệu giá rẻ từ hàng ngàn ha rừng cao su bạt ngàn tại Tây Nguyên và biên giới. Với hơn 10.000 tấn xuất khẩu mỗi tháng sang các thị trường có sức cần ổn định như Đông Âu, Hàn Quốc hay Nhật, dự án này dự kiến hòa vốn trong thời gian chỉ 2,5 năm.
Giữa năm ngoái, giá dầu tạo điểm đáy lịch sử về mức 38 USD/thùng. Người dân các nước Đông Âu thay vì đốt sưởi bằng viên nén mùn cưa nhập từ Việt Nam thì họ dùng dầu đốt vì giá đang rẻ kỷ lục. Ngay lập tức, nữ doanh nhân quyết liệt cắt lỗ chuyển nhượng lại toàn bộ dây chuyền để tập trung vào các dự án bất động sản tại Nha Trang và khu Nam Sài Gòn. Trong lúc này, rất nhiều trong số hơn 300 chủ doanh nghiệp sản xuất viên nén mùn cưa khác vẫn đang phải hoạt động “thoi thóp” chờ thời. “Tôi cố gắng hoạt động cầm chừng, xuất khẩu vài ngàn tấn mỗi tháng để đủ chi phí trả lương và giữ mối khách hàng lâu năm”, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chất đốt tại Kon Tum chia sẻ.
Trong một diễn biến khác, doanh nghiệp đầu ngành phân bón Việt là LAS quyết định chọn phương pháp kiến nghị trực tiếp để thay đổi những chính sách gây bất lợi cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Chuyên, Phó trưởng Phòng Kế hoạch vật tư của LAS, cho rằng, quy định liệt mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế VAT theo Luật 71 năm 2014 gây ra thiệt hại kép kiến doanh nghiệp sản xuất nội địa tăng chi phí trên mỗi tấn phân bón làm ra và người nông dân phải gánh hậu quả trực tiếp vì giá thành phân bón nội địa tăng. Cụ thể, nguyên liệu thô đầu vào khi nhập khẩu phải chịu thuế đầu vào từ 5-10% với tổng giá trị tiền thuế đầu vào mỗi năm khoảng 180 tỉ đồng/năm. Do không được hoàn thuế nên toàn bộ tiền thuế đầu vào phải tính vào chí phí sản xuất đã làm tăng giá thành sản phẩm phân bón từ 4%. Vì chính sách này, từ năm 2015, lợi nhuận của LAS phải bốc hơi khoảng 120-130 tỉ đồng/ năm. Cùng thời điểm, phân bón thành phẩm nhập khẩu được giảm 5%, đồng nghĩa hàng rào chính sách đã trực tiếp giảm sức cạnh tranh giá của doanh nghiệp sản xuất trong nước và tạo ra lợi thế cho khối ngoại.
Bất hợp lý như trên không chỉ xuất hiện trong ngành phân bón mà đang xảy ra trên diện rộng từ lĩnh vực sản xuất thép, tôn mạ, nông sản. Liên minh để bảo vệ sân nhà là cách mà các doanh nghiệp và các hiệp hội nghề nhanh chóng áp dụng để chủ động cùng Chính phủ thiết lập hàng rào bảo vệ trên chính sân nhà, trước áp lực lộ trình thực hiện các hiệp định thương mại FTA ngày một gần. Năm 2017, giá dầu được dự báo sẽ tiếp tục đi ngang trong ngắn hạn. Dù nguyên nhân xuất phát có thể từ những nhóm lợi ích thể hiện quyền lực phân định lại thị trường năng lượng hay do dầu đá phiến, thì các chủ doanh nghiệp Việt vẫn phải “cưỡi sóng” để duy trì mục tiêu lợi nhuận. Mới đây, Vinacomin, Khoáng sản Miền Nam đã mạnh tay dùng giải pháp hiệu quả nhất mà chắc chắn doanh nghiệp nào cũng phải đi qua. Đó là cải cách toàn diện hiệu quả hoạt động và năng lực điều hanh để cổ phiếu hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nhằm giữ chân những dòng vốn nóng.