Khi giá dầu không còn là thước đo
Tàu Hải quân Hoàng gia Anh tuần tra gần tàu chở dầu Grace 1 của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar ngày 4/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Thị trường dầu mỏ tưởng chừng sẽ chứng kiến giai đoạn bùng nổ mới trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran, tuy nhiên, trái với sức nóng của những sự kiện đó, giá “vàng đen” chỉ tăng nhẹ trong những phiên giao dịch gần đây.
Rõ ràng, giá dầu mỏ đã không còn là thước đo chính xác để đánh giá mức độ nghiêm trọng những căng thẳng tại khu vực được coi là “rốn dầu” của thế giới này.
Sau khi giá dầu Brent có lúc hạ xuống mức thấp kỷ lục 61,35 USD/thùng kể từ tháng 5/2019 do thị trường phản ứng tiêu cực xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào đình trệ và viễn cảnh suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, thị trường bắt đầu xuất hiện những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung “vàng đen” tại khu vực Trung Đông khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh với lý do vi phạm luật hàng hải quốc tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá dầu Brent đến nay cũng chỉ tăng nhẹ và hiện dao động quanh ngưỡng 63,3 USD/thùng trên thị trường châu Á. Sự cố đối với tàu chở dầu Stena Impero xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ-Iran và một số vụ tấn công phá hoại diễn ra trước đó nhằm vào các tàu chở dầu gần khu vực Eo biển Hormuz.
Một số nguồn tin cho rằng, lý do thực sự đằng sau vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero là để trả đũa Anh, sau khi một tòa án của vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh gia hạn giam giữ tàu Grace 1 thêm 30 ngày.
Đây là tàu chở dầu của Iran bị chính quyền Gibraltar bắt giữ trong một chiến dịch có sự phối hợp của lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh với cáo buộc vi phạm các trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Syria.
Eo biển Hormuz giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với hoạt động vận chuyển dầu mỏ, với khoảng 20% sản lượng “vàng đen” toàn cầu đi qua tuyến đường hàng hải này. Hầu hết lượng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz đều hướng tới thị trường châu Á. Vụ việc đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của các nền kinh tế Đông Á và Ấn Độ.
Hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua khu vực này trở nên đắt đỏ hơn khi an ninh được tăng cường và chi phí bảo hiểm tăng lên. Vậy đâu là lý do khiến giá dầu thô chỉ tăng hơn 1,8% giữa điểm thấp nhất của tuần trước và mức trung bình trong các phiên giao dịch tại thị trường châu Á tuần này?
Helima Croft, Giám đốc điều hành kiêm người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Royal Bank of Canada Capital Markets, cho rằng dầu mỏ không còn là “phong vũ biểu” quan trọng đối với những căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Chỉ vài năm trước, giá dầu vẫn là thước đo tốt để đánh giá mức độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, thì nay điều này đã không còn chính xác ở thời điểm hiện tại. Đã qua rồi cái thời mà thị trường từng lo sợ giá dầu mỏ sẽ leo lên mức đỉnh điểm 150 USD/thùng hồi năm 2007.
Một số người từng dự đoán giá “vàng đen” có thể tăng lên 100 USD/thùng trong cuộc khủng hoảng địa-chính trị giữa Mỹ và Iran thì nay mức 80 USD/thùng là con số tối đa mà giá “vàng đen” có thể chạm tới trong kịch bản này. Có một số lý do để đưa ra nhận định như vậy.
Thứ nhất, dù vẫn là “rốn dầu” của thế giới, Trung Đông đã mất đi vị thế tương đối là nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.
Cuộc cách mạng đá phiến ở Mỹ đã đưa nước này vươn lên là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, theo sau là Nga và Saudi Arabia. Báo cáo mới nhất cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ đạt chạm tới ngưỡng kỷ lục hơn 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019, tăng khoảng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước đó.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), xuất khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng đã vượt mức 3 triệu thùng/ngày lần đầu tiên trong năm nay. Erik Norland, chuyên gia kinh tế cao cấp tại sàn giao dịch phái sinh CME Group, đánh giá: “Việc sản lượng dầu thô của Mỹ tăng tới 130% nhờ cuộc cách mạng dầu đá phiến trong suốt thập kỷ qua rõ ràng đang gây áp lực rất lớn đối với giá dầu”.
Trong bối cảnh đó, tìm cách duy trì thị phần và giá dầu mỏ cũng là một trong những lý do đằng sau thúc đẩy Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và 10 nhà sản xuất chủ chốt không nằm trong khối này, thường được gọi là nhóm OPEC+.
Đáng chú ý, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu “vàng đen” thế giới trong năm nay xuống chỉ còn 1,1 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, IEA cũng dự báo về một “làn sóng” dầu thô lên tới 2,1 triệu thùng/ngày từ các nước ngoài OPEC sẽ được bơm thêm vào thị trường toàn cầu trong năm 2020. Nguồn cung tăng thêm này, kết hợp với nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại là lý do chính đằng sau viễn cảnh giảm giá chung của dầu mỏ.
Thứ hai, thị trường cũng đã liên tục điều chỉnh để thích ứng với những quan điểm về rủi ro địa-chính trị. Khi những rủi ro không thể được định lượng, giới kinh doanh thường có xu hướng đặt chúng sang một bên. Thông thường, những rủi ro sẽ gây ra sự đột biến tạm thời trên các thị trường hàng hóa và sau đó sẽ trở lại xu hướng bình thường khá nhanh.
Lịch sử đã chứng minh, khi khủng hoảng kết thúc hoặc “bong bóng khủng hoảng” vỡ thì mọi chuyện sẽ dần rơi vào trạng thái bình thường hóa. Thị trường dầu mỏ do đó sẽ chờ đợi một xu hướng “bình thường mới” cho đến khi xác định được các điểm nút về mức giá mới trong dài hạn.
Thứ ba, tỷ lệ dầu mỏ trong các nguồn năng lượng chủ đạo là khoảng 40% trong thập niên 1980. Trong giai đoạn năm 1990-2015, sản lượng dầu mỏ tăng khoảng 34%, song thị phần dầu mỏ trong tổng cán cân năng lượng toàn cầu lại giảm xuống 33%.
Trong tương lai, xu hướng suy giảm tỷ trọng của dầu mỏ đối với các nguồn năng lượng khác sẽ tiếp tục diễn ra. Tổng lượng tiêu thụ năng lượng vẫn sẽ tăng cùng với sự bùng nổ của dân số thế giới, song sự tụt dốc của thị phần dầu mỏ là điều có thể dự đoán được trong kịch bản dài hạn.
Bên cạnh đó, các mục tiêu chống biến đổi khí hậu cũng như sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ môi trường sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng không phát thải khí CO2.
Các chương trình chia sẻ xe, tăng cường sử dụng xe điện và các nguồn nhiên liệu mới sẽ tiếp tục gia tăng. Giới đầu tư cũng thể hiện sự quan tâm và dịch chuyển từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Tâm lý của giới đầu tư là một lý do khác khiến các thị trường đã không phản ứng quá mạnh trong suốt cuộc khủng hoảng mới nhất tại vùng Vịnh này.
Trong ngắn hạn, giá dầu thế giới có thể sẽ vẫn tăng cho đến khi xảy ra một sự kiện mới ảnh hưởng tới tâm lý và niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có thể khẳng định giá “vàng đen” rất khó vươn tới mức 100 USD/thùng. Sự thật là giá dầu đã không còn phản ánh đúng tình hình căng thẳng ở Trung Đông, song thế giới sẽ không thể phủ nhận tầm quan trọng của Eo biển Hormuz cũng như sự ổn định và an ninh chiến lược của khu vực này.