|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khi điều kiện kinh doanh được ngụy trang

11:30 | 07/10/2018
Chia sẻ
Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% điều kiện kinh doanh cần cắt giảm. Đặc biệt, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại “mọc” ra điều kiện khác. Có lẽ, đây là lý do chính khiến số lượng các doanh nghiệp từ giã thị trường không hề giảm bớt trong thời gian qua.
khi dieu kien kinh doanh duoc nguy trang Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Rào cản từ tư duy... lạ lùng
khi dieu kien kinh doanh duoc nguy trang Cắt giảm 'giấy phép con': Bộ Tài chính vẫn kiên định không sửa dù 'còn nhiều vấn đề'
khi dieu kien kinh doanh duoc nguy trang
Một biếm họa về sự phức tạp của điều kiện kinh doanh.

Doanh nghiệp chưa hết lo lắng

Thời gian qua, Chính phủ hết sức nỗ lực “phát quang rừng” thủ tục, liên tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cản trở sự phát triển, gây khó cho doanh nghiệp (DN), để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng. Đặc biệt, Chính phủ đã yêu cầu đến hết 15/8 các bộ, ngành chức năng phải tiếp tục cắt giảm 50% ĐKKD được coi là gây khó khăn cho DN.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hầu hết các bộ, ngành đều đã có phương án cắt giảm ĐKKD với tỷ lệ cắt giảm ít nhất cũng đạt yêu cầu, nghĩa là trên 50%. Thế nhưng, rút cục đến thời điểm này vẫn còn tới gần 40% ĐKKD cần cắt giảm. Như vậy, còn tới 2.363 ĐKKD (chiếm khoảng 40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể. Con số đã cắt giảm trong quy định về kiểm tra chuyên ngành còn thấp hơn rất nhiều, mới chỉ khoảng 6,6% đã cắt giảm và 13,3% dự kiến sẽ cắt giảm.

Không hiểu sao nhiều bộ, ngành còn chần chừ, chậm trễ? Những cơ quan này có biết rằng, trong khoảng thời gian này, đã có những DN không đủ sức chi trả các khoản chi phí tuân thủ ĐKKD buộc phải rút lui...

Những cơ quan này cũng có để tâm rằng, có nhiều nhà đầu tư, DN muốn mở rộng hoạt động, nhưng không đủ kiến nhẫn với các lời hứa sẽ sửa đổi, đành quyết định chậm lại hay chuyển hướng đầu tư. Phải nói rõ, nhiều trong số các văn bản trong danh mục sẽ xem xét chỉnh sửa đã được bàn tới khá lâu, tới vài năm, đã đối thoại tìm giải pháp nhiều lần, đã được các DN đề xuất phương án sửa đổi cụ thể.

Ví dụ, đề xuất bỏ các điều kiện ràng buộc quy mô kinh doanh quá mức với các DN xuất khẩu gạo của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã gần 8 năm. Hay đề xuất bỏ các điều kiện can thiệp vào phương án kinh doanh của các DN kinh doanh vận tải của Nghị định 86/2014/NĐ-CP kinh doanh ĐKKD vận tải bằng xe ô tô đã kéo dài 4 năm. Như vậy, nếu nhìn vào “lịch sử” sửa đổi các văn bản liên quan đến điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thì việc DN phải chờ đợi nhiều năm xem ra rất phổ biến.

Nhưng chờ đợi để có được kết quả vẫn còn là hạnh phúc. Điều đáng quan ngại đó là cắt ĐKKD này nhưng kiếm cớ để mọc thêm ĐKKD mới, đó mới là điều DN lo lắng.

Chẳng hạn điều kiện DN phải trình phương án kinh doanh, vô lý không kém những điều kiện mà các DN, các chuyên gia kinh tế đã rất mất thời gian thuyết phục mới bỏ đi được. Thế nhưng, nhiều phương án chỉ điều chỉnh câu chữ, sắp xếp lại nội dung của các ĐKKD hiện hành. Chắc chắn, DN, nhà đầu tư sẽ không thể hưởng lợi bất cứ điều gì từ những phương án mang nặng tính hình thức này. Có lẽ, sự chờ đợi mòn mỏi này đã khiến nhiều DN phải từ giã thị trường.

Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 DN đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn trong khi đó, số DN tạm ngừng hoạt động tăng cao. Có tới 50.050 DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra ngày 1/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề và yêu cầu các bộ ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng DN thành lập mới còn thấp, số DN tạm ngừng hoạt động tăng cao, hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN tư nhân chưa được như mong đợi.

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương “phải tự hỏi nguyên nhân của tình trạng trên là vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả”.

Các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% ĐKKD cần cắt giảm, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại “mọc” ra điều kiện khác- Thủ tướng lưu ý. Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.

Cần cơ chế độc lập kiểm soát cắt giảm ĐKKD

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần phải có một cơ chế kiểm soát độc lập về việc đặt ra những ĐKKD mới, những giấy phép kinh doanh mới, không để tình trạng các bộ, ngành đặt ra các ĐKKD, mà không cân nhắc đến lợi ích chung, quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Việc đặt ra các giấy phép kinh doanh mà nhiều trong số đó không hợp lý, gây phiền hà tốn kém cho hoạt động kinh doanh. Trước hết là do thói quen quản lý, rất nhiều cơ quan quản lý muốn đặt ra giấy phép để dễ dàng trong quản lý của mình, mặc dù nó có thể gây hậu quả rất lớn cho những người kinh doanh. Thứ hai là có bóng dáng của lợi ích và nhiều điều kiện kinh doanh được sử dụng như là một công cụ để gạt những DN nhỏ ra khỏi thị trường.

Còn nói như ông Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì nhiều ĐKKD mới được “ngụy trang” rất khéo. Số lượng ĐKKD được cắt giảm cũng quan trọng, nhưng để đánh giá chính xác hiệu quả của việc cắt giảm phải rà soát rất kỹ. Những năm 2003-2005, các DN, chuyên gia cũng khuyến nghị cắt giảm hàng loạt ĐKKD, thậm chí đã đưa ra các phương án rất chi tiết, nhưng kết quả không điều kiện nào được bãi bỏ.

“Phải nói thẳng vẫn còn những nội dung không phải là cắt giảm, chỉ là thu gọn các điều kiện vào 1 nội dung, thay vì chia nhỏ ra, nghĩa là giảm về số lượng nhưng DN vẫn phải thực hiện như cũ, không có gì thay đổi. Không phải chỉ các cơ quan quản lý, tôi đang lo lắng về lối tư duy rất kỳ lạ từ chính các DN. Tôi lấy ví dụ về Nghị định 86/2014 quy định DN taxi phải có tối thiểu 10 xe, đối với đô thị loại đặc biệt phải là 50 xe. DN xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch cự ly từ 300km trở lên… phải có từ 10 xe trở lên nếu có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương và từ 5 xe trở lên ở các địa phương khác”- ông Cung nói.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong khi hạn chế cơ hội gia nhập thị trường của DN mới, DN nhỏ; hạn chế quyền kinh doanh của DN (quyền quyết định bao nhiêu xe để đảm bảo phương án kinh doanh có tính cạnh tranh cao, có lợi nhuận tốt), điều kiện này không đóng góp gì cho việc thực hiện các mục tiêu như đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN...

Thế nhưng khi dự thảo Nghị định thay thế bãi bỏ quy định số lượng xe tối thiểu đối với DN kinh doanh vận tải, phía Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam lại có ý kiến không đồng tình. Với động thái này, có cơ sở để cho rằng hiệp hội đang bảo vệ những DN lớn, những DN đang hoạt động, thay vì ủng hộ việc mở rộng sân chơi, tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng trên thị trường vận tải ô tô.

Vượt lên tư duy “lợi ích nhóm”

“Nếu các hiệp hội DN không vượt qua được lợi ích nhóm, không đặt nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh lên trên khi tham gia phản biện, xây dựng chính sách, chính họ lại trở thành lực cản đối với các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam”- ông Cung nói.

Vẫn theo ông Cung, đó là chưa kể rất nhiều bất hợp lý khác trong cái dự thảo này. Tại sao cơ quan nhà nước lại quy định taxi tính cước theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi... mà không cho DN tự quyết định. Các hãng hàng không đã được quyền tự quyết định giá, tại sao taxi không? Rồi tại sao phải quy định đơn vị kinh doanh bến xe có quyền kiểm tra điều kiện đối với xe ô tô, lái xe và xác nhận vào lệnh vận chuyển; cho xe xuất bến vận chuyển hành khách nếu đủ điều kiện, không cho xe xuất bến đối với các trường hợp không đủ điều kiện? Lẽ ra quản lý nhà nước là tạo điều kiện để các bến xe cạnh tranh, thu hút nhà xe, cơ quan soạn thảo lại tư duy theo kiểu “bắt” bến xe làm việc của cơ quan quản lý nhà nước.

Có thể nói, áp lực kỷ luật hành chính là điều kiện cần để buộc các bộ, ngành, địa phương không thể chần chừ trong thực thi cam kết cắt giảm khó khăn, chi phí cho DN, nhưng chưa đủ. Nếu từng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương không thực sự coi mình là người trong cuộc của công cuộc cải cách, nếu bản thân cộng đồng DN không vì cái chung mà vượt lên được tư duy lợi ích nhóm, đường còn dài và nhiều gian khổ.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Khánh