Nan giải việc cắt giảm điều kiện kinh doanh
Những bộ nào dự kiến cắt giảm điều kiện kinh doanh nhiều nhất |
Thực tế, đến thời điểm này, cũng chỉ mới có bốn bộ là: Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có tên trong số những ngành có ĐKKD đã cắt giảm. Còn 2.363 ĐKKD (chiếm khoảng 40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể. Con số đã cắt giảm trong quy định về kiểm tra chuyên ngành còn thấp hơn rất nhiều, mới chỉ khoảng 6,6% đã cắt giảm và 13,3% dự kiến sẽ cắt giảm.
Nhiều trong số các văn bản trong danh mục sẽ xem xét chỉnh sửa đã được bàn tới khá lâu, tới vài năm, đã đối thoại tìm giải pháp nhiều lần, đã được các DN đề xuất phương án sửa đổi cụ thể. Thí dụ, đề xuất bỏ các điều kiện ràng buộc quy mô kinh doanh quá mức với các DN xuất khẩu (XK) gạo của Nghị định (NĐ) số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo đã gần tám năm. Hay đề xuất bỏ các điều kiện can thiệp phương án kinh doanh của các DN kinh doanh vận tải của NĐ số 86/2014/NĐ-CP (NĐ 86) về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng xe ô-tô đã kéo dài bốn năm… Điều đáng nói là đề xuất của các DN đều được ghi nhận là hợp lý, nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành, có cả sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ... Nếu nhìn vào “lịch sử” sửa đổi các văn bản liên quan đến ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành, thì việc DN phải chờ đợi nhiều năm xem ra rất phổ biến.
Cộng đồng doanh nghiệp mong chờ cắt giảm thủ tục của các bộ, ngành. Ảnh: NG.ANH |
Ngay NĐ đang nhận được rất nhiều lời khen ngợi về những thủ tục minh bạch là NĐ số 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (vừa có hiệu lực ngày 1-8 vừa qua, thay thế NĐ số 73/2012/NĐ-CP), giới đầu tư cũng phải mất sáu năm liên tục kiến nghị, đối thoại...
Tuy nhiên, trong nhiều phương án cắt giảm ĐKKD, đã manh nha những ĐKKD mới. Chẳng hạn, điều kiện DN phải trình phương án kinh doanh, điều kiện “ép” DN vào cách thức kinh doanh cứng nhắc... vô lý không kém những điều kiện mà các DN, các chuyên gia kinh tế đã rất mất thời gian thuyết phục mới bỏ đi được. Nhiều phương án chỉ điều chỉnh câu chữ, sắp xếp lại nội dung của các ĐKKD hiện hành. Chắc chắn, DN, nhà đầu tư sẽ không thể hưởng lợi bất cứ điều gì từ những phương án mang nặng tính hình thức này. Đã có những DN không thể chờ đợi sự thay đổi, đành phải ra đi, nhưng còn hàng trăm nghìn DN đang nỗ lực tham gia vào sự thay đổi của môi trường kinh doanh, vào quyết tâm cắt giảm những rào cản vô lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm tháo gỡ những rào cản bó buộc sự phát triển đất nước của Thủ tướng Chính phủ.
Mới đây, trước sức ép từ Chính phủ về việc không thể duy trì tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và những kiến nghị không dứt của các DN, hiệp hội ngành nghề, hàng loạt các bộ, ngành đã tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Bộ TT&TT đã đề nghị góp ý Phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD trong lĩnh vực quản lý. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số điều của các NĐ quy định về ĐKKD thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN. Trong khi đó, Bộ GTVT xây dựng và lấy ý kiến góp ý về dự thảo NĐ quy định ĐKKD đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa; dự thảo NĐ quy định về ĐKKD dịch vụ kiểm định xe cơ giới; dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung NĐ số 65/2016/NĐ-CP về ĐKKD dịch vụ đào tạo lái xe ô-tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng Dự thảo NĐ sửa đổi, bổ sung một số NĐ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ...
Cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm với nhiều chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành rà soát các ĐKKD, yêu cầu cắt giảm 50% trong tổng số 5.905 ĐKKD hiện hành. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tính đến cuối tháng 6-2018, mới có khoảng 11 bộ đã đưa ra được phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD hiện có thuộc phạm vi quản lý. Thậm chí, theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng hồi đầu tháng 7 vừa qua, “cá biệt có bộ chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đơn giản, cắt giảm ĐKKD”.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), nói rằng Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (NQ 19) nêu rõ, đối với các bộ, ngành chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6-2018 và hoàn thành soạn thảo NĐ sửa đổi, bổ sung các NĐ về ĐKKD, đầu tư, trong đó bãi bỏ các ĐKKD không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III-2018… Thế nhưng thực tế, chất lượng cắt giảm ĐKKD là… rất thấp!
Trả lời báo chí trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời hạn rà soát, cắt giảm 50% về ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành không còn nhiều, tuy nhiên tỷ lệ cắt giảm mới đạt 15,2% và có 14 bộ, ngành còn đang thực hiện quy trình. Văn Phòng Chính phủ hiện đang đốc thúc các bộ, ngành hoàn thành để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/