|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khẩu vị đầu tư trái phiếu của 10 CTCK lớn khác nhau ra sao?

16:20 | 05/09/2023
Chia sẻ
Nhờ lượng vốn từ ngân hàng mẹ, Chứng khoán TCBS vươn lên thành đơn vị nắm giữ trái phiếu tự doanh lớn nhất ngành chứng khoán, với giá trị đầu tư trên 13.000 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Chứng khoán Vietcap, VIX và SHS ưa thích đầu tư cổ phiếu hơn so với trái phiếu. KBSV gần như không đầu tư cả trái phiếu hay cổ phiếu.

Theo thống kê của người viết, Top10 công ty chứng khoán (CTCK) có khoản tự doanh lớn nhất tại cuối tháng 6 chiếm khoảng 66% quy mô toàn ngành, tương đương khoảng 131.600 tỷ đồng. Về mặt sổ sách kế toán, hiện các đơn vị ghi nhận danh mục tự doanh theo ba khoản mục gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Nếu xét theo phân lớp tài sản đầu tư, ba sản phẩm chính được các công ty chứng khoán lựa chọn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và công cụ thị trường tiền tệ.

Mỗi CTCK có chiến lược tự doanh khác nhau. Về mặt tổng quan cho thấy các công ty chủ yếu phân bổ danh mục vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fixed income) như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

Đơn vị: Tỷ đồng.

Đơn vị: Tỷ đồng.

Việc các CTCK phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến việc đảm bảo thanh khoản. Nhiều đơn vị sử dụng sản phẩm đầu tư này để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng khi nhu cầu thanh khoản tăng cao đến từ hoạt động margin của công ty.

Xếp sau chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi, trái phiếu đứng thứ hai về quy mô đầu tư của 10 công ty chứng khoán lớn nhất. Đây là loại tài sản gặp những ý kiến trái chiều sau loạt sự kiện năm 2022 gồm Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, ảnh hưởng đến thanh khoản cũng như sự quan ngại của nhà đầu tư. Tuy nhiên, khác với nhà đầu tư nói chung, các CTCK có mục đích và chiến lược riêng trong việc đầu tư trái phiếu.

VNDirect duy trì lượng trái phiếu trên 10.000 tỷ đồng, phần lớn là của Trung Nam

Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) ghi nhận giá trị trái phiếu tại 30/6 đạt 10.246 tỷ đồng, chiếm gần 40% danh mục tự doanh và đi ngang so với cuối 2022.

VNDirect là công ty chứng khoán tham gia vào các thương vụ phát hành trái phiếu của Trung Nam Group với nhiều vai trò khác nhau như bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành,… Trong danh mục đầu tư của đơn vị này, trái phiếu trong đó bao gồm Trung Nam chiếm một tỷ trọng lớn (40% mảng tự doanh tại cuối quý I), với giá trị đầu tư hơn 10.200 tỷ đồng thời điểm cuối quý II/2023. Con số này giảm 2% so với thời điểm cuối 2022.

 

Trung Nam được lựa chọn đại diện cho doanh nghiệp ngành năng lượng. Cho đến bây giờ khi chúng tôi làm bảo lãnh phát hành cho Trung Nam, chúng tôi nhìn nhận đây là một doanh nghiệp thực sự có tiềm năng cả về năng lực thực thi phát triển dự án cho đến năng lực tìm kiếm các dự án đầu tư.

Bà Phạm Minh Hương, Tổng giám đốc của VNDirect

Liên quan đến câu chuyện trái phiếu, theo bà Phạm Minh Hương, Tổng Giám đốc của VNDirect, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ngoài việc cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà đầu tư, công ty còn hướng đến việc kiến tạo “hàng hóa” cho nhà đầu tư để dẫn dòng vốn của nhà đầu tư vào với doanh nghiệp. Những lĩnh vực được VNDirect lựa chọn bao gồm năng lượng, dịch vụ hạ tầng, ngành giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch, công nghệ và F&B. Đây là những ngành có nhu cầu về vốn để phát triển rộng trong tương lai.

Ngoài Trung Nam, Tổng Giám đốc của VNDirect cho biết công ty đang rót vốn vào một số doanh nghiệp như dịch vụ bất động sản (Cenland), hạ tầng (Cienco 4), dịch vụ du lịch (Crystal Bay).

VPBankS và TCBS đẩy mạnh đầu tư

Tiêu biểu trong nhóm CTCK chưa niêm yết là công ty con của ngân hàng thương mại gồm Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Chứng khoán VPBank (VPBankS). Hai đơn vị này rót lượng vốn lớn đầu tư trái phiếu.

TCBS vừa được bổ sung 10.242 tỷ đồng vốn trong quý II/2023 từ ngân hàng mẹ là Techcombank (TCB). Từ đó, công ty đã giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng mua trái phiếu trong quý II. Lượng trái phiếu tại cuối tháng 6 đạt 13.468 tỷ đồng, tăng đến 87% so với thời điểm cuối 2022. Không chỉ vươn lên dẫn đầu về trái phiếu tự doanh, đây cũng là đơn vị có tỷ trọng trái phiếu trong tự doanh cao nhất nhóm CTCK, đạt trên 87%. Ngoài ra, TCBS còn đang nắm gần 1.100 tỷ đồng cổ phiếu, 878 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi và 7 tỷ đồng tài sản tài chính khác.

Những công ty chứng khoán có giá trị danh mục tự doanh trái phiếu lớn nhất. Nguồn: XN tổng hợp.

VPBankS cũng nắm lượng trái phiếu trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể hơn, giá trị đầu tư tăng đến 60% sau 6 tháng, đạt 10.081 tỷ đồng tại cuối quý II/2023. Không chỉ vậy, CTCK này cũng mạnh tay chi 715 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và nâng lượng chứng chỉ tiền gửi gấp 6 lần, từ 225 tỷ đồng lên 1360 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Báo cáo tài chính của VPBankS và TCBS không thuyết minh chi tiết về các tài sản cổ phiếu và trái phiếu. 

SSI thu hẹp danh mục trái phiếu

So với cuối năm 2022, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) thu hẹp 24% giá trị trái phiếu nắm giữ, từ 12.983 tỷ còn 9.923 tỷ đồng tại cuối tháng 6. Lượng trái phiếu hiện chiếm gần 32% mảng tự doanh của SSI. Trong khi đó, chứng chỉ tiền gửi vẫn giữ vị trí chủ đạo với 15.559 tỷ đồng, tương đương với 63%.

 

Mục tiêu kinh doanh nguồn vốn đầu tiên phải là luôn đảm bảo ổn định và dồi dào cho các hoạt động kinh doanh chính, bao gồm hoạt động margin và hoạt động đầu tư.

Bà Nguyễn Vũ Thu Hương, Giám đốc Nguồn vốn của SSI

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Giám đốc Nguồn vốn của SSI - Bà Nguyễn Vũ Thu Hương cho biết mục tiêu kinh doanh nguồn vốn đầu tiên phải là luôn đảm bảo ổn định và dồi dào cho các hoạt động kinh doanh chính, bao gồm hoạt động margin và hoạt động đầu tư. Trong những giai đoạn thị trường mà nguồn vốn kinh doanh không được sử dụng hết thì công ty sẽ sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư vào các tài sản cực kỳ an toàn, linh hoạt chuyển thành tiền để đảm bảo thanh khoản cho tất cả hoạt động kinh doanh khác. 

Tại thời điểm 31/12/2022, giá trị danh mục trái phiếu trên sổ sách của SSI là khoảng 15.200 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu của các tổ chức tín dụng (các ngân hàng quốc doanh) chiếm 85%, nhóm trái phiếu liên quan đến bất động sản chỉ chiếm 0,2% và trái phiếu khác của các ngành sản xuất tiêu dùng, năng lượng và tài chính chiếm 15%. Giai đoạn thị trường trái phiếu hoảng loạn là các trái phiếu liên quan đến bất động sản, đây lại là nhóm trái phiếu mà SSI gần như không đầu tư. 

Vietcap, VIX, SHS ưa thích cổ phiếu hơn trái phiếu

Ngoài các đơn vị trên, đa phần CTCK còn lại nắm tỷ trọng trái phiếu tự doanh thấp hơn 30%. Chứng khoán VPS, Chứng khoán VIX, Chứng khoán SHS có tỷ trọng trái phiếu tự doanh trong khoảng 10 - 30%. Tỷ lệ này tại Chứng khoán Thiên Việt (TVS) là 5,3% và Chứng khoán Vietcap (VCI) là 5,6%. Trong đó, Vietcap, VIX, SHS có “khẩu vị” ưa thích cổ phiếu hơn, với tỷ trọng tự doanh trên 50%.

Chứng khoán KBSV, đại diện đến từ nguồn vốn Hàn Quốc, vẫn không không “mặn mà” gì với cả trái phiếu hay cổ phiếu. Gần như toàn bộ mảng tự doanh hơn 6.200 tỷ đồng tại 30/6 nắm giữ tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi.

Xuân Nghĩa