Khẩu trang ở phương Tây: Từ chỗ bị kì thị trở thành hàng quí hiếm
Thời điểm khi số ca nhiễm dịch COVID-19 tăng vọt tại Trung Quốc, phần lớn người dân các nước trong khu vực đã bắt đầu gia tăng sử dụng khẩu trang. Ban đầu là để phòng thân, sau đó là tuân theo các qui định bắt buộc được các chính phủ ban hành ngay lập tức, sau khi tình hình bệnh diễn biến phức tạp.
Ở bên kia bán cầu, tại các nước phương Tây như Mỹ và khu vực châu Âu, phản ứng và thái độ của người dân lại đi theo hai hướng hoàn toàn trái ngược.
Một mặt, hàng khẩu trang, nước rửa tay từ các cửa hàng đến mua sắm trực tuyến, đều đồng loạt đăng báo hết hàng khi người dân bắt đầu dự trữ. Mặt khác, dù đã dự trữ, người dân vẫn tỏ ra ngần ngại với việc đeo khẩu trang ra đường.
Giai đoạn này, người nào đi lại trên đường phố với chiếc khẩu trang trên mặt sẽ bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt khó hiểu, thậm chí có người còn đem việc đeo khẩu trang ra làm trò cười.
Thực tế, nhiều người dân gốc Á sống tại các quốc gia này, đã phải từ bỏ việc đeo khẩu trang để bảo vệ sự an toàn của bản thân, chỉ vì sợ trở thành mục tiêu bắt nạt, kì thị.
Theo tờ The Guardian, tỉ lệ phân biệt chủng tộc với những người châu Á, gốc Á trong thời gian này ghi nhận sự gia tăng mạnh.
Nhưng sau một vài tuần, cách nhìn về khẩu trang đảo lộn, khi các thành phố lớn của phương Tây trở thành các điểm nóng dịch toàn cầu, từ Berlin, Paris đến thành phố hoa lệ New York - Mỹ.
Sự bàng quan trước nguy hiểm của dịch bệnh, sự thờ ơ và coi thường các biện pháp bảo vệ ban đầu, đã khiến các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới phải trả giá đắt.
Khẩu trang trở thành 'tấm khiên' bắt buộc
Đại dịch COVID-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu, ngay cả những hệ thống y tế kiên cố nhất, đã làm xoay đảo thái độ kì thị của người phương Tây trước đó, biến việc mang khẩu trang là việc cần thiết và quan trọng để bảo vệ sức khỏe của họ.
Thậm chí, chính phủ các nước còn đưa ra các chế tài xử phạt, bắt buộc người dân khi ra đường phải đeo khẩu trang, trước khi đi đến quyết định cuối cùng là phong tỏa.
Giữa tháng 3, Cộng hòa Séc trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu qui định người dân ra đường phải đeo khẩu trang. Trong buổi tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Andrej Babis và các chính trị gia đều xuất hiện với chiếc khẩu trang trên mặt.
Ngày 6/4, theo chân Cộng hòa Séc, Áo yêu cầu người dân khi đi mua sắm tại các siêu thị, hiệu thuốc, và khi di chuyển bằng phương tiện công cộng phải đeo khẩu trang. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã gọi sự thay đổi này đòi hỏi người dân tích cực "nỗ lực thích ứng", vì "việc đeo khẩu trang là rất xa lạ đối với văn hóa" tại đây.
Hai ngày sau đó, thành phố Sceaux, phía nam Paris, công bố lệnh bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, trở thành nơi đầu tiên tại pháp áp dụng qui định này. Người nào vi phạm qui định của thành phố sẽ bị phạt 41 USD.
Từ đầu tháng 4, tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đại dịch COVID-19 ở Ý – Lombardy, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Kể từ lời khuyến cáo công chúng nên đeo khẩu trang của Thủ tướng Đức Angel Merkel vào ngày 15/4, đến nay 16 bang tại nước này đã áp dụng qui định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương giao thông công cộng và tại các cửa hàng, siêu thị.
'Nhẹ tay' hơn, sau một thời gian dài phong tỏa toàn quốc, chính phủ Tây Ban Nha đưa ra các khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang khi di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng. Không quên nhắn nhủ mọi người rằng, hành động đeo khẩu trang là việc rất quan trọng trong công cuộc kiềm chế virus lây lan trong cộng đồng.
Ngày 3/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đăng tải văn bản hướng dẫn người dân, đặc biệt là những công dân sinh sống tại các điểm nóng dịch, che mặt khi đi ra ngoài. Các công cụ che chắn mặt được CDC khuyến khích gồm có áo phông, khăn quàng và khẩu trang bằng vải.
Vào giữa tháng 4, phu nhân Tông thống Trump, bà Melania Trump, cũng đã đăng một bức ảnh bà đang đeo khẩu trang lên trang Twitter cá nhân, kêu gọi người dân Mỹ bảo vệ bản thân bằng cách che chắn mặt khi ở nơi công cộng.
"Trong khi để CDC tiếp tục nghiên cứu về COVID-19, mọi người hãy làm theo khuyến cáo, che mặt ở những địa điểm công cộng, nơi các biện pháp giãn cách cộng đồng khó có thể được duy trì", Đệ nhất phu nhân Mỹ viết.
Hai tuần trước, Thị trưởng Thành phố Los Angeles - Eric Garcetti đã yêu cầu bắt buộc toàn bộ lực lượng lao động tại các cơ sở kinh doanh thiết yếu trên toàn thành phố, điển hình như các siêu thị và cửa hàng tạp hoá, phải đeo khẩu trang, tính từ ngày 17/4.
hị trưởng Garcetti cũng khuyến khích các cơ sở kinh doanh từ chối phục vụ những khách hàng không đeo khẩu trang.
Thống đốc New York bật khóc vì nhận được khẩu trang
Kể từ ngày 18/4, sắc lệnh yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tiểu bang New York có hiệu lực.
"Nếu chuẩn bị tới một nơi công cộng nào đó, và bạn biết rằng mình sẽ không thể giữ được đúng khoảng cách an toàn, hãy mang theo một chiếc khẩu trang và đeo nó lên", Thống đốc New York Andrew Cuomo tuyên bố.
Ông Cuomo đã bật khóc khi đọc một bức thư trong buổi họp báo hàng ngày về tình hình dịch COVID-19, từ một người nông dân lớn tuổi sinh sống ở bang Kansas, gửi đến ông cùng với một chiếc khẩu trang N95 qua đường bưu điện.
Trong thư, người nông dân bày tỏ mong muốn chiếc khẩu trang sẽ được một bác sĩ, hay một y tá thuộc lực lượng tuyến đầu sử dụng, để chiến đấu với dịch bệnh ở New York.
"Thật là vị tha, thật là tốt bụng. Đây chính là tình yêu, sự can đảm, tinh thần thượng võ xây dựng nên sự tươi đẹp cho đất nước này". Ông Cuomo xúc động phát biểu trước sự đóng góp tuy nhỏ về vật chất nhưng hàm chứa sức mạnh tinh thần sâu sắc của người nông dân.
Sau một thời gian tranh cãi việc khẩu trang có đem lại lợi ích thực sự nào hay không, giới chức phương Tây đã dần thay đổi quan điểm "kì thị" ban đầu của mình. Họ hiểu việc đeo khẩu trang giữa dịch bệnh không phải là để đem lại lợi ích cá nhân cho người đeo nó, mà giúp một cộng đồng kiểm soát đợt dịch.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/