Khát vọng xây dựng 'Uber' trong lĩnh vực vận tải hàng hóa
Có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, nhóm cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ tạo ra hệ thống kết nối chủ hàng và các chuyến xe tải chạy rỗng chiều về. Đến nay, những nhà khởi nghiệp trẻ lại từ chối cơ hội được đầu tư hàng tỷ đồng, để giữ startup hoạt động theo định hướng của mình.
Từ nhu cầu kết nối chủ hàng và xe chạy rỗng chiều về
Đoạt giải nhất cuộc thi Olympic các môn học Mác - Lênin cấp trường từ năm nhất và luôn nằm trong top những sinh viên xuất sắc nhất trường, Lê Đình Giáp được các bạn đồng trang lứa tại Đại học Kinh tế Quốc dân nể phục đặt cho biệt danh "Giáp siêu nhân". Với cá tính thích tìm tòi, sáng tạo cái mới từ nhỏ, chàng sinh viên năm cuối ôm giấc mơ học giỏi để tự mình làm chủ, hơn là làm đẹp hồ sơ để tìm một công việc tốt.
Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải công bố thông tin có đến 70% xe tải không có hàng chiều về. Tức cứ 10 chiếc xe chuyển hàng đi tỉnh khác, có đến 7 chiếc chạy rỗng về. Vì thế, để bù lỗ, các chủ xe buộc phải tính giá cước cao hơn nhiều so với xe chạy chở hàng hai chiều. Đây là một trong các nguyên nhân khiến chi phí logistic chiếm đến 25% tổng GDP của cả nước.
Lê Đình Giáp - chủ nhân ý tưởng thiết lập hệ thống kết nối chủ hàng và các xe chạy rỗng chiều về, giảm lãng phí trong hoạt động vận tải hàng hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhiều người có nhu cầu tận dụng các xe tải chiều về rỗng để gởi hàng giá cước thấp nhưng không dễ để tìm chuyến phù hợp. Việt Nam có 65.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó, khoảng 16.000 đơn vị làm vận tải chuyên nghiệp. Nếu có thể tập hợp cả chủ hàng và chủ xe vào cùng một mạng quản lý, để họ tự cập nhật và tìm thấy nhau sẽ giảm rất nhiều chi phí cho cả hai bên.
Nhìn thấy nhu cầu đó, Giáp đã lên ý tưởng thiết lập một webiste giúp kết nối chủ hàng và các xe chạy chiều về rỗng. Trang web hoạt động bằng phí thu trực tiếp trên mỗi đơn hàng giao dịch thành công cũng như khai thác quảng cáo khi có lượng truy cập lớn. Dự án mang tên NetLoading sau đó đoạt giải nhất cuộc thi "Con đường doanh nhân" do Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Đây cũng là dự án duy nhất của sinh viên, đoạt giải nhì cuộc thi "Khởi nghiệp quốc gia" của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi còn chưa có sản phẩm.
Dừng lại ở ý tưởng tham gia các cuộc thi, ba thành viên khác lần lượt rời khỏi dự án. Nhưng với niềm tin của mình, Giáp vẫn quyết tâm biến hoài bão thành sự thật. Anh tìm thấy hai cộng sự khác, cũng vừa qua tuổi 20, nhìn thấy tiềm năng của dự án. Lê Thị Nga có chuyên môn về marketing, còn Lê Đăng Quỳnh mạnh về tài chính và thiết kế.
Với số tiền thưởng ít ỏi từ các cuộc thi cộng thêm vay mượn từ gia đình và người quen, Giáp cùng nhóm bạn có số vốn gần 150 triệu đồng để khởi nghiệp. Tháng 4/2016, phiên bản sản phẩm đầu tiên ra đời.
Đến thực tiễn đầy gian nan
Đã gần 22h, nhóm ba bạn trẻ vẫn ngồi trầm ngâm bên laptop. Sau gần một năm gầy dựng, dự án chưa có gì ngoài website đã định hình. Không phải trong một không gian làm việc chung (co-working space) hay các quán cà phê ý tưởng như mọi người thường hình dung về các startup trẻ, nơi làm việc thường xuyên của ba người là căn phòng nhỏ trong ngôi nhà chưa đầy 30m2, cũng là chỗ Nga thuê để ở. Buổi tối hôm đó, Giáp đã chi 70.000 từ 75.000 đồng còn sót lại trong túi để mua đồ ăn tối cho cả nhóm.
Quay về nhà, những suy nghĩ đè nặng trong lòng Giáp. Các cộng sự của anh đều có tài nhưng phải vất vả khi quyết định cùng anh đi chung một con thuyền. Giáp quyết định vay thêm 50 triệu đồng để chi trả phí thuê thêm nhân sự và các hoạt động khác, hai người bạn vẫn làm việc không lương cho dự án. Nga phải nhận thêm công việc bán thời gian để có thu nhập, trong khi Quỳnh gặp sự phản đối quyết liệt từ gia đình vì "lông bông" không chịu đi làm. Bản thân Giáp cũng đi giao hàng buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống. Chàng trai đang ở tuổi 22, cao 1m76 nhưng gầy sộp chỉ còn 52kg.
Suốt hai tháng, ba bạn trẻ đã đến hết tất cả các bãi xe tải tại Hà Nội, tìm hiểu công việc của các nhà xe và giới thiệu sản phẩm. Những buổi chiều nắng hơn 40 độ C, khi dân văn phòng đã yên vị trong phòng mở điều hòa, họ lại lao ra đường, chờ các tài xế dừng chân để lân la hỏi han và thu nhận ý kiến. Khảo sát chứng minh giả thiết ban đầu của Giáp là đúng, khi có tới 90% các xe tư nhân chạy xe trống chiều về. Nhưng khi giới thiệu sản phẩm, hầu hết các nhà xe đều trả lời là chưa phù hợp.
Áp lực đè nặng lên vai người trưởng nhóm, Giáp ngồi lặng hàng giờ để suy nghĩ vì sao giải pháp của mình đáp ứng được nhu cầu, đang giai đoạn không tính phí nhưng các nhà xe vẫn không dùng đến. Anh nhận ra rằng, cánh tài xế di chuyển thường xuyên, nên không có thời gian mở website xem yêu cầu chở hàng và báo cước.
"Giờ mình nhất định phải xây dựng một phiên bản sản phẩm khác ưu việt hơn, bắt buộc phải có ứng dụng cho các nhà xe", Giáp thầm nhủ trong đêm một mình.
Tuy nhiên, do hết vốn, nhóm phải dựa vào mối quan hệ để tìm nhóm IT mới xây dựng ứng dụng với chi phí hợp lý. Giáp và Quỳnh vừa phát triển sản phẩm, vừa đến thuyết phục các nhà xe hợp tác. Trong khi, Nga sử dụng khả năng của mình đẩy mạnh mạnh quảng bá và tìm kiếm nhà đầu tư.
Đến tháng 4/2017, ứng dụng mới ra đời với 300 nhà xe tham gia hợp tác. Số lượng người dùng mới dừng ở con số 250, nhưng NetLoading đã kết nối thành công hơn 3.000 tấn hàng hóa với các chuyến xe trống chiều về, mang lại doanh thu 1,5 tỷ đồng cho các tài xế.
Thời điểm này, startup trẻ cũng nhận được những lời mời hợp tác với số vốn hứa hẹn 3-5 tỷ đồng từ các công ty lớn. Nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp này đều mong muốn hợp nhất hơn là đầu tư vào dự án. Với mong muốn xây dựng thương hiệu riêng, các nhà sáng lập trẻ lần lượt từ chối những lời đề nghị hấp dẫn.
Tuy chưa thu nhận lợi nhuận, nhưng dự án đã bắt đầu có doanh thu, ngày càng nhiều chủ xe và chủ hàng biết đến hệ thống kết nối xe chiều về. Trong năm nay, nhóm bạn trẻ hướng đến hai mục tiêu chính là tạo ra doanh thu và tìm nhà đầu tư.
"Chỉ cần không bao giờ ngừng nỗ lực, thì điều gì cũng có thể xảy ra. Ý tưởng này tại các Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ… họ đã làm thành công. Việt Nam cũng vậy, quan trọng là ai làm trước mà thôi", chàng CEO trẻ tin tưởng.