|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kháng cáo đòi tài sản thế chấp trong vụ lừa đảo ngân hàng

08:24 | 20/11/2017
Chia sẻ
Bản án sơ thẩm dành quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và các cá nhân theo tố tụng dân sự. Tuy nhiên, người có tài sản cho rằng, cần xem xét việc giải quyết tài sản bảo đảm.

 Đến thời điểm này, SeaBank đã thu hồi được 19,5 tỷ đồng. (Ảnh: Nhã Chi).

 

Làm giả hợp đồng chuyển nhượng vốn sở hữu

Ngày 17/11, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt 38,5 tỷ đồng của SeaBank. Theo đó, 2 bị cáo bị Tòa án tuyên bố phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và xử phạt mức án lần lượt là 20 năm và 13 năm tù giam. Có 3 bị cáo khác bị tuyên bố phạm tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo bản án sơ thẩm, Đ.H là Giám đốc Công ty TNHH Ban Mai tại Bắc Ninh, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Ban Mai tại Hà Nội. Năm 2006, Đ.H quen biết ông Hà Văn Nga, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Viễn Đông. Do ông Nga mắc bệnh hiểm nghèo nên muốn bán Công ty Viễn Đông cùng toàn bộ Tài sản và các dự án với giá là 75 tỷ đồng.

Do không có đủ tiền mua, Đ.H đã rủ Nguyễn Thị Thúy Hằng cùng nhau góp tiền mua Công ty Viễn Đông và thống nhất làm thủ tục để vay tiền ngân hàng.

Tháng 12/2006, ông Nga đã ký quyết định bổ nhiệm Đ.H làm Giám đốc Công ty Viễn Đông. Sau đó Đ.H và Hằng đến Hội sở SeaBank nộp hồ sơ xin vay vốn để đầu tư vào 3 dự án là Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm tại Đồng Văn (Hà Nam); Khu nuôi trồng thủy sản tại Nghĩa Hưng (Nam Định) và Khu nuôi trồng thủy sản tại vùng biển đảo Hòn Mê (Thanh Hóa).

Đến tháng 6/2007, SeaBank ký hợp đồng tín dụng cấp hạn mức 100 tỷ đồng, thời hạn 6 năm cho Công ty Viễn Đông để đầu tư vào 3 dự án nói trên.

Để hoàn thiện hồ sơ pháp nhân, các bị cáo đã làm giả biên bản họp hội đồng thành viên Công ty Viễn Đông và hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn sở hữu của 5 thành viên Công ty Viễn Đông (trong đó có ông Nga) cho Đ.H. Nhưng có 4 thành viên Công ty khẳng định không ký hợp đồng, ký biên bản họp. Chữ ký của các thành viên này là chữ ký giả. Riêng ông Nga đã mất vì bệnh hiểm nghèo.

Khi làm thủ tục thế chấp tài sản bảo đảm, Đ.H đã che giấu việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm ở Đồng Văn đã bị thế chấp tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Hà Nam (nay là Ngân hàng Phát triển Việt Nam).

Để làm hồ sơ về điều kiện vốn đối ứng khi giải ngân, Đ.H đã mua 92 hóa đơn khống của 8 công ty ma tại Hải Phòng, thể hiện đã thi công xây dựng các hạng mục của Nhà máy với tổng giá trị hơn 104 tỷ đồng để nộp cho SeaBank. Số tiền SeaBank giải ngân, các bị cáo đã sử dụng một phần để trả nợ. Phần 30 tỷ đồng còn lại Đ.H và Hằng đùn đẩy, đổ cho nhau đã sử dụng chiếm đoạt.

Không giải quyết yêu cầu về tài sản bảo đảm

Riêng về nguyên đơn dân sự SeaBank, Ngân hàng cho biết, đến nay đã thu hồi được 19,5 tỷ đồng, trong đó có 14,9 tỷ đồng gốc và 4,5 tỷ đồng lãi. Như vậy, còn lại 23,5 tỷ đồng tiền gốc. SeaBank tính tiền lãi là 55,7 tỷ đồng, đòi tổng cộng 79,3 tỷ đồng.

Khi vay vốn, ngoài 3 dự án, còn có một số tài sản bảo đảm bảo là nhà đất của bên thứ 3. SeaBank không đồng ý trả lại tài sản thế chấp của các bên và yêu cầu các bên thế chấp bàn giao tài sản theo hồ sơ vay vốn để Ngân hàng xử lý thu hồi nợ.

Bản án sơ thẩm cho rằng, các hợp đồng thế chấp này là hợp đồng độc lập với hợp đồng tín dụng. Do đó, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết theo tố tụng dân sự. Vì vậy, Tòa án không giải quyết yêu cầu của SeaBank về tài sản bảo đảm.

Sau phiên tòa, các bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Riêng bố mẹ bị cáo Đ.H, những người đã ký 1 trong số các hợp đồng thế chấp tài sản là nhà đất, kháng cáo cho rằng, Tòa án sơ thẩm bỏ ngỏ việc xử lý tài sản bảo đảm là vô lý. Theo bố mẹ bị cáo Đ.H, hợp đồng tín dụng có sự lừa đảo, vô hiệu thì hợp đồng thế chấp không thể có hiệu lực và đề nghị Tòa án tuyên trả tài sản.

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thuý Nguyễn

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.