|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ PVN mất 800 tỷ đồng: Bị cáo Đinh La Thăng trình bày lý do kháng cáo

21:47 | 21/06/2018
Chia sẻ
Theo bị cáo Đinh La Thăng, bản án sơ thẩm không có đánh giá nào về thực tế đến 8/2011, bị cáo đã rời Tập đoàn PVN để nhận trách nhiệm mới.
vu pvn mat 800 ty dong bi cao dinh la thang trinh bay ly do khang cao Bất ngờ tạm dừng phiên tòa xử ông Đinh La Thăng
vu pvn mat 800 ty dong bi cao dinh la thang trinh bay ly do khang cao
Bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị/Hội đồng Thành viên PVN trả lời trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 21/6, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã trình bày các nội dung kháng cáo tại phần xét hỏi trong Phiên phúc thẩm vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank). Bị cáo Đinh La Thăng trình bày lý do kháng cáo Trình bày kháng cáo của mình, bị cáo Đinh La Thăng cho biết bị tòa sơ thẩm tuyên 18 năm tù vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng, bị cáo kháng cáo cả tội danh, hình phạt và phần dân sự bị buộc phải bồi thường. Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm đã không xem xét đến việc PVN trong đề án và điều lệ được phép tham gia đầu tư vốn, tài chính ở lĩnh vực ngân hàng, cũng như trong bối cảnh phải dừng dự án thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Về việc góp vốn lần ba 100 tỷ đồng vào tháng 5/2011 bị coi là vi phạm quy định Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về sở hữu của cổ đông không quá 15% cổ phần, bị cáo Thăng cho rằng bản án sơ thẩm không xem xét đến việc thực tế Ngân hàng OceanBank đã chấp thuận việc PVN vẫn nắm giữ 20% cổ phần. Bị cáo cho rằng chỉ đến năm 2013, Ngân hàng Nhà nước mới có văn bản về việc thoái vốn cho các cổ đông nắm trên 15% cổ phần tại ngân hàng. Bản án sơ thẩm không xem xét bối cảnh năm 2014, PVN đã có kế hoạch thoái vốn và tìm đối tác để mua lại toàn bộ 20% cổ phần của PVN tại OceanBank. Cũng theo bị cáo Thăng, bản án sơ thẩm không có đánh giá nào về thực tế đến 8/2011, bị cáo đã rời Tập đoàn PVN để nhận trách nhiệm mới. Khi đó, OceanBank vẫn hoạt động có hiệu quả, được Ngân hàng Nhà nước đánh giá OceanBank là ngân hàng loại A. Vì vậy, bị cáo Thăng cho rằng mình không phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự 600 tỷ đồng như Tòa sơ thẩm tuyên phạt. Trước đó, bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Đinh La Thăng với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18/9/2008 về việc tham gia góp vốn vào Ngân hàng OceanBank với Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank) nhưng không thông qua Hội đồng Quản trị PVN; quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của Oceanbank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank.

Từ đó, bản án sơ thẩm đánh giá, bị cáo Đinh La Thăng giữ vai trò chính trong vụ án, bị cáo là người đưa ra chủ trương trong việc cố ý làm trái để cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của bị cáo gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 800 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh xin thay đổi lời khai Cũng trong phiên xét hỏi ngày 21/6, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN) đã đề nghị đính chính lời khai về việc chỉ đạo chuyển tiền góp vốn từ PVN sang OceanBank. Tại phần xét hỏi, bị cáo Ninh Văn Quỳnh xin đính chính lời khai vào ngày 22/7/2017 tại cơ quan điều tra, với nội dung đính chính về chỉ đạo Ban Kế toán chuyển tiền sau khi có nghị quyết của Hội đồng Thành viên PVN về góp vốn. Theo bị cáo Quỳnh, mình không có liên quan gì đến việc quyết định góp vốn của PVN mua 20% cổ phần tương đương 400 tỷ đồng tại lần góp vốn đầu tiên. Bị cáo Quỳnh cho rằng, mình chỉ có vai trò gián tiếp trong lần góp vốn thứ 2, chỉ tham gia trực tiếp trong lần góp vốn lần 3. Từ đó, bị cáo Quỳnh đề nghị Hội đồng phúc thẩm xem xét lại hành vi của bị cáo trong 3 lần góp vốn, mong muốn giảm mức án hơn nữa cho cả hai tội danh với lý do mình không tham gia đàm phán, ra chủ trương về góp vốn mà sau khi có nghị quyết của Hội đồng thành viên mới thực hiện việc chuyển tiền. Trước đó, Tòa án sơ thẩm nhận định, bị cáo Ninh Văn Quỳnh được bổ nhiệm Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán PVN từ năm 2008 đến tháng 2/2014. Xuyên suốt quá trình góp vốn của PVN mua cổ phần của Oceanbank, Ninh Văn Quỳnh biết rõ Đinh La Thăng và đồng phạm cố ý làm trái quy định về quản lý tài chính, vốn của Nhà nước tại PVN, với tư cách Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính, Kiểm toán, bị cáo đã thực hiện việc chuyển tiền góp vốn lần 1 và lần 2 là 700 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank, hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Quản trị PVN. Tại lần góp vốn lần 3, bị cáo Quỳnh biết rõ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không cho phép một cổ đông là tổ chức được sở hữu quá 15% vốn Điều lệ của một tổ chức tín dụng nhưng bị cáo vẫn trình văn bản liên quan lên Ban Tổng Giám đốc để trình Hội đồng Thành viên PVN ra Nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ tại Oceanbank. Sau khi Hội đồng thành viên PVN ra Nghị quyết, bị cáo thực hiện việc chuyển tiền 100 tỷ đồng của PVN vào Oceanbank. Cũng trong diễn biến phiên tòa, Hội đồng xét xử đã xét hỏi đại diện của Tập đoàn PVN để làm rõ về các văn bản liên quan đến việc thỏa thuận, triển khai góp vốn và chuyển tiền của PVN vào OceanBank./.

Xem thêm

Xuân Tùng