Khẩn trương lấy mẫu nước tại khu vực chìm tàu 8.000 tấn
Sáng ngày 20 - 10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, Cục trưởng Cục Hàng hải cùng nhiều lãnh đạo, cán bộ các bộ, sở ban ngành đã đến hiện trường vụ chìm tàu 8.000 tấn (sông Lòng Tàu - Cần Giờ) kiểm tra, khảo sát, lên phương án khắc phục sự cố xảy ra vào rạng sáng ngày 19-10.
Lãnh đạo các bộ ngành liên quan họp phương án khắc phục sự cố. Ảnh: Tự Sang
Ghi nhận tại hiện trường, tàu VIETSUN INTEGRITY lật nghiêng, chiều dài hơn 130m, rộng gần 20m, trọng tải hơn 8.000 tấn, rất nhiều thùng container trôi lềnh bềnh trên sông và có sự cố tràn dầu tại hiện trường, một sà lan hút dầu loại lớn cũng được huy động.
Ngoài ra, rất nhiều phao quây được lực lượng chức năng giăng ra toàn hiện trường để tránh dầu loan ra ngoài, lực lượng CSGT đường Thủy, lực lượng biên phòng cùng các lực lượng liên quan liên tục phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền qua lại và công tác khắc phục sự cố.
Sà lan loại lớn được huy động đến hiện trường hút dầu. Ảnh: Tự Sang
Vệt dầu loang tại hiện trường. Ảnh: Tự Sang
Phao quây được giăng ra tại hiện trường. Ảnh. Tự Sang
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đây là sự cố tai nạn Hàng hải đặc biệt nghiêm trọng và tai nạn tàu container đầu tiện tại khu vực này nên công tác khắc phục sự cố đang được nhiều lực lượng tập trung triển khai.
“Từ đêm qua tới nay, lực lượng đang tập trung phòng ngừa ô nhiễm có thể do tràn dầu gây ra. Ngay sau sự cố, lực lượng ứng cứu đã có mặt triển khai quây phao và đến sáng hôm qua thì có một lượng nhỏ dầu tràn ra từ máy và đã được hút xong nên đến thời điểm hiện tại vấn đề ô nhiễm đã được đảm bảo”, ông Sang nói thêm.
Cũng theo ông Sang, hiện tại các thùng container trôi nổi đã được cố định và tiến hành trục vớt đưa về các cảng. Riêng công tác hoạt động hàng hải vẫn diễn ra bình thường.
Ông Sang đánh giá số hàng bên trong các thùng container chủ yếu là các loại nông sản, vật liệu xây dựng, thủy sản đông lạnh và đều chứa trong bao bì, bao nilon rất kín nên vấn đề ô nhiễm từ mặt hàng này là không cao.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đề nghị phải tăng cường kiểm tra giám sát lấy mẫu nước toàn bộ khu vực tàu bị chìm, những tiêu chí liên quan tới môi trường. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án liên quan đến bảo vệ môi trường nếu mẫu xảy ra sự cố bất thường.
Hiện trường nơi tàu chìm. Ảnh. Tự Sang
Thùng container trôi lềnh bềnh trên sông được trục vớt. Ảnh: Tự Sang
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu các lực lượng khẩn trương thanh tra, làm rõ nguyên nhân và có phương pháp xử lý đúng người, đúng tội những trường hợp không chấp hành đúng các quy định chuyên môn để xảy ra sự cố phải xử lý nghiêm.
“Xử lý nghiêm kể cả chủ tàu, thuỷ thủ và cả đội bốc xếp nếu sai để làm sao tránh những cố tương tự có thể tiếp tục xảy ra”, ông Thể nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thể còn đề nghị trong 4 đến 5 ngày tới các đơn vị chức năng phải sớm triển khai giải pháp mở rộng một bên luồng để các loại tàu lớn có mớn nước 9,5m trở lên có thể di chuyển qua lại bằng luồng mới mà không ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, hộ cứu nạn.
Bên cạnh đó, cần điều tiết phân luồng đưa phương tiện qua luồng Soài Rạp và một số tuyến sông khác, tiến hành giảm tải phương tiện tại 2 cụm cảng Cái Mép, Cát Lái để tàu bè di chuyển ra vào luồng sông Lòng Tàu, Sài Gòn, Đồng Nai an toàn.
Trước đó, vào rạng sáng ngày 19-10 tàu VIETSUN INTEGRITY có tải trọng 8.000 tấn chở gần 300 container đang di chuyển theo luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu đi Hải Phòng.
Khi đến luồng sông Lòng Tàu (Cần Giờ) thì bị chìm khiến 17 thuyền viên rớt xuống sông nhưng rất may không gây thương vong về người. Thiệt hại của vụ việc được cơ quan chuyên môn đánh giá là rất lớn.