|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu ngày càng ít

18:06 | 19/07/2020
Chia sẻ
Năm 2011, chi tiêu bình quân của du khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức là 106 USD, nhưng cho đến nay, con số đó lại lùi xuống mốc 96 USD.

Du lịch Việt Nam tăng về số lượng nhưng chưa tăng được về chất

Vừa qua, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra tọa đàm "Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm dịch vụ giải trí đêm".

Tại buổi tọa đàm này, ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group) cho biết, năm 2019 Việt Nam đã lọt top 10 thế giới về tốc độ tăng trưởng du lịch trên toàn cầu, là một trong 10 đất nước có tốc độ tăng trưởng và phát triển du lịch nhanh nhất thế giới.

Theo ông Nam, đây là điều rõ ràng đáng mừng, nhưng để cẩn trọng hơn chúng ta "không ngủ quên trên chiến thắng".

"Có một điều chúng ta cần thực sự cân nhắc liệu tăng trưởng này đã tốt chưa? Về lượng đã tốt rồi, nhưng về chất thì sao?", ông Nam đặt câu hỏi.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhưng chi tiêu ngày càng ít - Ảnh 1.

Chi tiêu của khách du lịch khi đến Việt Nam nguồn từ Tổng Cục Thống kê. (Đồ họa: Văn Luận).

Đánh giá tổng kết của World Bank năm 2019 việc chúng ta làm du lịch ra sao trong 10 năm vừa qua cùng đề xuất của World Bank trong việc kiến nghị Việt Nam nên phát triển hệ sinh thái du lịch bền vững trong đó có kinh tế đêm. 

Một điều chúng ta thực sự cần cân nhắc, cả những người làm chính sách, làm du lịch và đặc biệt là công ty lữ hành, và sự truyền thông của báo chí rất quan trọng. Đó là năm 2011, chi tiêu bình quân của du khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức là 106 USD, nhưng cho đến nay con số đó lại lùi xuống mốc 96 USD.

"Điều ai cũng vui mừng khôn xiết là nhà nhà có việc làm do lượng khách du lịch tăng lên. Khách quốc tế tăng lên trên 18 triệu lượt khách và khách nội địa trên 85 triệu, đó là những con số biết nói và cực kì đáng vui mừng.

Nhưng tại sao chúng ta lại không thể tăng được về chất, trong khi so sánh với các nước lân cận thì họ gấp đôi chúng ta về chất. Ví dụ, chi tiêu của du khách khi đến Thái Lan là 163 USD và ở Bangkok hay Phuket đã đạt hơn 200 USD, Singapore là 272 USD. Đấy là điều chúng ta trăn trở, đó là việc phát triển du lịch phải đi đôi giữa lượng và chất", ông Nam bày tỏ.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhưng chi tiêu ngày càng ít - Ảnh 2.

Dương Phú Nam – Tổng Giám đốc Sun World phát biểu. (Ảnh: Văn Luận).

Tổng Giám đốc Sun World viện dẫn thêm, căn cứ vào thống kê đầu dân số đang đón khách du lịch, Thái Lan là 1,8 dân đón 1 khách du lịch. Singapore, một đất nước nhỏ nhưng một dân đón 3 khách, Malaysia có hơn 20 triệu dân thì đón 30 triệu khách du lịch. 

Trong khi chúng ta 5 người dân thì đón một khách du lịch. Đó là những con số chúng ta cần suy nghĩ, giữa cách chúng ta truyền thông quảng bá và hiệu quả về mặt đón khách dựa trên tỉ lệ người dân cũng như số tiền trung bình.

Về yếu tố cung cầu, ở đâu có cầu thì ở đó có cung, nhưng nếu xét bình diện trên toàn quốc gia, chúng ta chưa làm được việc này, đó là cầu thì rất lớn, nhưng đến tối là ta bắt khách đi ngủ, đó là một sự lãng phí. Rất nhiều bài báo đã nói rằng đây là mỏ vàng mà chúng ta đang lãng phí.

Không có cung thì cầu chắc chắn sẽ đi. Cầu sẽ ra đi tìm một điểm đến nào đó mà rõ ràng chúng ta có thể thấy Thái Lan đón khoảng 40 triệu khách du lịch, 70% trong số này quay lại. Chắc chắn ở đây có sự góp phần rất lớn của kinh tế đêm. 

Việt Nam có 18 triệu khách nhưng câu hỏi đặt ra là bao nhiêu khách quay lại? Con số chưa có câu trả lời vì Tổng cục du lịch đưa ra con số tăng trưởng là 10-40% và nó không rõ ràng.

"Chúng tôi luôn dặn dò nhau, đưa ra định hướng làm kinh tế là phải thâm canh. Chúng ta có một lượng khách rất lớn như vậy nhưng nếu chúng ta không thâm canh lượng khách này thì họ không tiêu tiền, buổi tối họ không tiêu tiền. 

Theo chỉ số nghiên cứu thì chi tiêu 30% ban ngày, 70% ban đêm, như vậy ta đang mất doanh thu 70% doanh thu. Ở các nước họ kiếm 100 USD trên một khách rất đơn giản, rất dễ, vào tiệm massage đã mất tiền. Chúng ta phải để ý đến câu chuyện thâm canh, giống như việc chúng ta thuê mặt bằng để kinh doanh 1 món rất đắt tiền nhưng ta chỉ bán ăn sáng thôi còn trưa tối ta bỏ ngỏ.

Chúng ta cần làm cho dân hiểu là yếu tố hưởng lợi đầu tiên là nhân dân. Thứ hai mới là doanh nghiệp. Thứ ba là nhà nước. Thứ 4 là khách hàng. Bốn chủ thể này của nền kinh tế nếu chúng ta làm tốt, sẽ có mối quan hệ cực kì bền vững. 

Khách hàng hài lòng thì tiêu tiền nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn thì nhân dân được hưởng, doanh nghiệp được hưởng khi mở các mô hình này ra hút khách", Tổng Giám đốc Sun World nhấn mạnh.

Đà Nẵng có giải pháp gì để khai thác mỏ vàng ngành du lịch, phát triển kinh tế đêm?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, vừa qua đã thực hiện khảo sát chi tiêu cũng như đóng góp của du lịch trong năm 2019, sắp tới ngành du lịch sẽ công bố. 

Theo bà Hạnh chia sẻ ban đầu, đóng góp trực tiếp của du lịch trong nền kinh tế hiện nay được xác định là 13% và đóng góp lan tỏa đã lên đến 18%. Đó là những con số thấy được đóng góp của ngành du lịch và sắp tới là phát triển kinh tế ban đêm rất là quan trọng như thế nào với việc phát triển du lịch, đặc biệt với Đà Nẵng.

Sắp tới, Đà Nẵng dự kiến triển khai một số giải pháp về du lịch. Đó là định hướng chung phát triển kinh tế ban đêm, xác định 4 nhóm hoạt động dịch vụ bao gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, dịch vụ mua sắm, tham quan du lịch.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhưng chi tiêu ngày càng ít - Ảnh 3.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).

"Trước mắt chúng tôi cũng sẽ căn cứ trên cơ sở vật chất, hiện trạng dịch vụ hoạt động về đêm hiện có tại đây để chọn lọc các khu vực làm sao để hạn chế những khu vực dịch vụ đang nằm xen kẽ trong địa bàn khu dân cư và chọn 1 số khu vực có sẵn cơ sở vật chất để phát triển, nâng cấp khai thác trong giai đoạn trước mắt.

Chúng tôi sẽ xác định khu vực và đề xuất các hoạt động cho các hộ dân, hoặc sẽ có hình thức trang trí để nhận diện các khu vực dịch vụ đang thí điểm cho phát triển kinh tế ban đêm. Đặc biệt với các khu, điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á – Asia Park, các khu du lịch khác thì chúng tôi sẽ vận động các đơn vị này tăng thêm các hoạt động về đêm, đặc biệt là các show diễn, hoạt động gia tăng trải nghiệm góp phần tăng thời gian lưu trú, hiệu quả kích thích chi tiêu của du khách, kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Về lâu dài, chúng tôi cũng dự kiến là sẽ chọn một số khu vực để qui hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm để phát triển kinh tế ban đêm như khu vực phố du lịch An Thượng, tuyến Bạch Đằng – Trần Hưng Đạo và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Khu vực 2 tuyến biển Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyễn Giáp và tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành...", Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nói.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao nhưng chi tiêu ngày càng ít - Ảnh 4.

Khách du lịch vui chơi trên bãi biển Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Luận).

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, năm 2019, TP Đà Nẵng đã đón gần 8 triệu lượt du khách, trong đó khách nước ngoài xấp xỉ gần 3 triệu, góp phần quan trọng đóng góp cho tỉ trọng tăng trưởng GRDP của thành phố.

Theo đó, tỉ trọng du lịch là gần 64%, thành phố được nhiều tổ chức du lịch và các tạp chí danh tiếng quốc tế bình chọn. Thứ hạng của Đà Nẵng luôn luôn ở vị trí cao trong bảng xếp hạng về các chỉ số du lịch.

Văn Luận