|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lần đầu tiên trong 23 năm, kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm

18:30 | 30/06/2020
Chia sẻ
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kì năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1997).

Ngày 30/6, Cục Thống kê Đà Nẵng có báo cáo về kết quả một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo, trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm nghiệm trọng, kinh tế cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng không thể duy trì được mức tăng như những năm trước, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của thành phố sụt giảm và có mức tăng trưởng khá thấp.

Lần đầu tiên trong 23 năm, kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 khiến kinh tế TP Đà Nẵng lần đầu tiên tăng trưởng âm. Trong ảnh, người dân kinh doanh trên bãi biển Mỹ Khê, trong bối cảnh COVID-19 khiến các khách sạn đóng cửa, ngừng kinh doanh hàng loạt. (Ảnh: Văn Luận).

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kì năm trước. Đây là lần đầu tiên kinh tế TP Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1997).

Trong mức sụt giảm của toàn nền kinh tế thành phố, khu vực dịch vụ giảm 4,62%, chiếm 2,98 điểm phần trăm trong mức giảm chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 1,80%, chiếm 0,39 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 2,40%, chiếm 1,28 điểm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực duy nhất tăng trưởng ở mức 2,28%.

Qui mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỉ đồng, thu hẹp hơn 918 tỉ đồng so với cùng kì năm 2019.

Trong đó, qui mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỉ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỉ đồng; thuế sản phẩm 12 tỉ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỉ đồng so với cùng kì.

Khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020 do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19.

Kết quả khảo sát nhanh gần 7.200 doanh nghiệp, có đến 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Trong đó, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội chiếm đến 58,4%; 37,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 40,6% doanh nghiệp khó khăn về các khoản chi trả cho người lao động; 31,9% doanh nghiệp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng; 30,9% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và 44,3% doanh nghiệp giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 94,1% doanh nghiệp có qui mô lớn bị ảnh hưởng, bởi vì các doanh nghiệp thường giao dịch với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động các ngành nghề có quan hệ xuất, nhập khẩu hàng hóa với các nước bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…

Văn Luận