Khả năng dịch ASF còn kéo dài, Lâm Đồng khuyến cáo hạn chế tái đàn
Theo báo Lâm Đồng, ngày 28/8, UBND huyện Đam Rông có văn bản chỉ đạo UBND các xã và các ngành chức năng khuyến cáo người dân hạn chế tái đàn, tăng đàn heo tại các địa phương có bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).
Cụ thể, UBND huyện Đam Rông đề nghị UBND các xã và các đơn vị liên quan khuyến cáo người dân hạn chế tái đàn, tăng đàn heo trên địa bàn. Trong đó, UBND các xã tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan.
Đối với những xã có ổ dịch cần thực hiện các biện pháp tiêu hủy đúng qui trình, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và lây lan, phát tán mầm bệnh.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, xung quanh khu vực chăn nuôi và các điểm giết mổ.
Đồng thời kiểm soát giết mổ và tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lí các trường hợp vị phạm.
Đến cuối tháng 8/2019, trên địa bàn huyện Đam Rông có 6/8 xã có heo mắc bệnh dịch ASF, với số heo mắc bệnh trên 1.200 con tại 371 hộ chăn nuôi, đã chết và tiêu hủy gần 1.200 con với tổng trọng lượng 41.548 kg.
Việc thiết kế chuồng trại không đảm bảo và người chăn không thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Còn theo UBND xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, xã đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ đợt 1 cho người dân có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.
Toàn bộ số tiền hơn 2,8 tỉ đồng hỗ trợ 22 hộ dân. Dự kiến, đợt 2 sẽ tiếp tục hỗ trợ 119 hộ vào cuối tháng 8/2019.
Liên Hiệp là xã đầu tiên của huyện Đức Trọng phát hiện có heo bị dịch tả heo châu Phi và cũng là xã có số heo bị chết và tiêu hủy nhiều nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện còn lại 8 xã, thị trấn với 23 thôn, 161 hộ có đàn heo nhiễm bệnh.