Kêu lỗ, nhà đầu tư đòi trả trạm BOT
Vị trí đặt trạm thu phí BOT T2 bị giới tài xế phản đối vì bất hợp lý, thu phí cả người chỉ sử dụng vài trăm mét đường - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 1-7, ông Nguyễn Văn Khang, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, xác nhận vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có việc sẽ trả lại dự án do lo "dính" nợ xấu ngân hàng và bị phản ứng nếu tiếp tục thu phí ở trạm T2.
Nhà đầu tư nói 3 năm lỗ gần trăm tỉ đồng
Dự án BOT quốc lộ 91 đặt trạm thu phí T1 (phường Phước Thới, quận Ô Môn, Cần Thơ) và trạm thu phí T2 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, Cần Thơ).
Theo hợp đồng gốc, thời gian thu phí hoàn vốn cho toàn dự án hơn 15 năm 9 tháng. Tuy nhiên, sau khi giảm giá vé cho hơn 11.700 xe của các tỉnh trong khu vực lân cận trạm thì thời gian thu phí được nâng lên hơn 34 năm 4 tháng.
Doanh số thu phí từ năm 2016 đến cuối năm 2018 đều tăng, từ 72,6 tỉ đồng lên 172,8 tỉ đồng rồi tăng lên 173,9 tỉ đồng, 5 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 76,3 tỉ đồng.
Việc trạm thu phí T2 buộc phải xả trạm do tài xế phản ứng kể từ ngày 25-5-2019 cho đến nay, tổng hợp nguồn thu chi tài chính của dự án BOT quốc lộ 91 cho thấy sau khi trừ các chi phí nợ gốc, lãi ngân hàng, các chi phí sửa chữa, vận hành thu phí thì kể từ khi hoạt động đến nay chủ đầu tư bị âm hơn 99 tỉ đồng.
Theo ông Khang, kể từ ngày trạm T2 ngưng thu phí, doanh nghiệp đang tiến sát đến nợ xấu với ngân hàng. Dự kiến mỗi tháng dự án phải trả lãi cho ngân hàng hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng dừng thu phí trạm T2, doanh thu chỉ đạt 8 tỉ đồng nên không đủ trả nợ.
Kiến nghị trả dự án hoặc trả lại 880 tỉ đồng
Từ những lý do trên, nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có phương án nhận lại dự án, hoàn trả chi phí đã đầu tư để có nguồn trả nợ ngân hàng. Trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại thì đề nghị hỗ trợ hoàn trả cho chủ đầu tư 400 tỉ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, 480 tỉ đồng chi phí xây dựng tuyến quốc lộ 91B (nằm trong nội ô Cần Thơ) và chủ đầu tư chỉ thu phí hoàn vốn dự án tại trạm thu phí T1.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án cũng cho rằng nếu tiếp tục duy trì hoạt động thu phí như trước đây thì các bộ, ngành chỉ đạo xem xét thực hiện giảm giá và đảm bảo an ninh trật tự cho hoạt động thu phí.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cũng cho biết hợp đồng BOT doanh nghiệp ký với Chính phủ là hợp đồng mở, tức chủ đầu tư được định mức lãi 12%/năm, dựa trên tổng vốn chủ sở hữu bỏ ra chứ không phải "lời ăn lỗ chịu".
Ngoài ra, phương án dời trạm T2 là không khả thi, vì vướng nhiều thủ tục và thời gian. "Nếu dời trạm xong thì coi như doanh nghiệp đã dính nợ xấu và đã "chết" mất rồi" - ông Nguyễn Văn Khang nói.
Ông Khang cũng cho biết kiến nghị trả dự án có khả thi hay không còn phải chờ Chính phủ xem xét, nhưng cứ ngưng thu sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận trong hợp đồng. "Dù chưa có tiền lệ trong việc mua lại dự án BOT, nhưng việc hoạt động thua lỗ, phải trả lại dự án cho Nhà nước thì giữa hai bên phải tiếp tục đàm phán" - ông Khang trình bày.
Việc giải quyết phải nằm trong tổng thể các dự án BOT
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ GTVT chưa nhận được kiến nghị. Theo ông Nhật, hiện tại Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ xây dựng phương án di dời trạm T2 hoặc giữ nguyên trạm này, kết hợp giảm giá cho xe đi qua. Sau khi Tổng cục Đường bộ trình phương án, Bộ GTVT sẽ làm việc với địa phương, nhà đầu tư dự án để thống nhất chọn phương án.
"Nhà đầu tư có kiến nghị lên Thủ tướng, chắc Thủ tướng sẽ giao Bộ GTVT xem xét. Tuy nhiên việc giải quyết nằm trong tổng thể các dự án BOT chứ không chỉ riêng mỗi trạm T2. Khi làm dự án BOT quốc lộ 91 thì tính toán trong bối cảnh dự án tuyến tránh TP Long Xuyên sẽ được đầu tư hoàn thành trước. Nhưng thiếu vốn đầu tư nên dự án tuyến tránh TP Long Xuyên bị chậm khiến nảy sinh bất cập tại trạm thu phí T2" - ông Nhật cho biết.
TUẤN PHÙNG
Không phải muốn ngưng là ngưng
Ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở GTVT An Giang - cho rằng nếu nhà đầu tư muốn chấm dứt hợp đồng và bàn giao lại dự án cho Chính phủ là khó khả thi.
"Đây chẳng qua là cách chủ đầu tư muốn làm áp lực với Bộ GTVT. Lúc đặt trạm T2, tỉnh An Giang không hề được hỏi ý kiến, các bên liên quan chỉ hỏi ý kiến Cần Thơ. Theo tôi biết, hợp đồng BOT không đơn giản muốn ngưng là ngưng, tức là phải có báo cáo tài chính và rất nhiều thủ tục chứ không thể nào dựa vào vài văn bản đơn thuần mà dừng thực hiện được" - ông Trí nói.
Trạm thu phí BOT T2 trong một lần bị tài xế phản đối bằng cách không đóng phí - Ảnh: C.QUỐC
Ông Trí cho biết thêm để giải quyết dứt điểm tình trạng bất cập ở trạm thu phí T2, Bộ GTVT đã có hướng họp với Tổng cục Đường bộ, chủ đầu tư và đại diện các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ xử lý trong đầu tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa thấy đơn vị nào gửi thư mời.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - chủ tịch Hiệp hội ôtô An Giang - nói nếu nhà đầu tư muốn bàn giao dự án lại là quyền của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu muốn thu phí lại như cũ đối với trạm T2 phải tính toán xem người dân An Giang và khu vực lân cận có đồng ý hay không.
Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cũng cho rằng đề nghị trả lại dự án là chuyện giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT.
BỬU ĐẤU