|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Không mua lại trạm BOT’

11:27 | 06/06/2019
Chia sẻ
61 dự án BOT trong giai đoạn dự toán sẽ thu tiền 222 năm nhưng sau quyết toán, thời gian thu đã giảm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Không mua lại trạm BOT’ - Ảnh 1.

Trạm thu phí T2

Trong sáng và nửa buổi chiều 5-6, các đại biểu (ĐB) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những bất cập tại các dự án BOT giao thông, công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, phát triển giao thông chưa cân đối…

BOT: Dân không bị trả tiền oan 222 năm

“Đối với các dự án BOT hiện nay chúng tôi báo cáo thường xuyên với Thường trực Chính phủ. Thủ tướng, các phó thủ tướng chủ trì nhiều cuộc họp. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách khó khăn, chúng ta không có tiền để mua lại các trạm BOT vì các dự án BOT vừa qua đều thực hiện đúng Nghị định 108 của Chính phủ” - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng sau khi kiểm toán 61 dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị giảm 222 năm thu phí của những dự án này. Cũng theo ông, trước đó Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT cho rằng KTNN không được kiểm toán các dự án BOT giao thông vì cho rằng đây là dự án của các nhà đầu tư tư nhân.

“Vì sao hai bộ không muốn kiểm toán các dự án BOT giao thông? Nếu KTNN không cương quyết thì có phải người dân trả tiền oan cho 222 năm của 61 dự án này không? Có lợi ích nhóm ở đây hay không?” - ĐB Ninh Bình chất vấn.

Bộ trưởng Thể khẳng định ngay khi dự án BOT triển khai, Bộ GTVT và chủ các doanh nghiệp BOT đã chủ động mời KTNN vào kiểm toán, thậm chí mời cả công an. Không phải như thông tin là Bộ GTVT không muốn mời kiểm toán. Số liệu các dự án BOT được kiểm toán là gần như 100%.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Không mua lại trạm BOT’ - Ảnh 2.

Đại biểu Bùi Văn Phương (trái, Ninh Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: PV

“Tổng kiểm toán đang ngồi đây”

Bộ trưởng Thể cho biết tiếp, về con số 222 năm, Bộ đã cung cấp thông tin. Theo quy định của pháp luật, khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư, nhà đầu tư triển khai xong thì phải thực hiện công tác quyết toán. Căn cứ vào quyết toán thực tế, chúng ta điều chỉnh lại hợp đồng, hợp đồng cuối cùng mới là hợp đồng cho thu phí.

“Kiểm toán căn cứ vào số liệu mới phê duyệt thì dự án hoàn toàn có thể được điều chỉnh do khối lượng công việc phát sinh, không đúng thực tế. Số liệu 222 năm là đúng nhưng đúng với dự án được duyệt, còn số liệu thực tế quyết toán và cho thu phí là giảm chứ không phải như số liệu của kiểm toán” - Bộ trưởng khẳng định.

Không đồng tình, ĐB Bùi Văn Phương đưa biển tranh luận. ĐB nói: “Tôi đã trao đổi lại với Tổng kiểm toán đang ngồi cạnh. Thưa Bộ trưởng, hiện bộ chỉ mời kiểm toán vào ba dự án đó là hầm Đèo Cả, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Bắc Giang - Lạng Sơn. Còn trước đó, Bộ GTVT cũng đồng ý với đề nghị của Bộ KH&ĐT là không được kiểm toán dự án BOT…” - ĐB Ninh Bình nhấn mạnh.

Giải thích lại, ông Thể cho rằng trưa nay vừa chuyển cho Tổng KTNN Văn bản 4771/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT gửi Tổng KTNN. Trong văn bản này, Bộ GTVT kiến nghị KTNN vào kiểm toán các dự án, trong đó có các dự án BOT. Quan điểm của Bộ ngay từ đầu là công khai, minh bạch, không có vấn đề gì mà không mời KTNN vào kiểm toán.

“Trên tay tôi có văn bản ở đây, nếu các ĐB cần thì giờ giải lao có thể tới nghiên cứu” - ông Thể đưa tài liệu lên để chứng minh.

Đại biểu “bắt giò”, Bộ trưởng… né

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng hiện nay các dự án của ngành GTVT chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. “Trách nhiệm cá nhân có truy đến cùng không, hay chỉ tập thể thôi? Tôi muốn xử lý đến cùng trách nhiệm cá nhân để xảy ra tình trạng này?...” - ông Cầu chất vấn.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết vừa qua Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra các dự án mà báo chí, người dân phản ánh về chất lượng. Cùng với đó, Bộ phối hợp với thanh tra các bộ, Thanh tra Chính phủ, KTNN và cơ quan điều tra của Bộ Công an đang tiến hành xử lý.

Với những công trình chậm tiến độ do yếu tố khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn chưa kịp thời, Bộ đã có những động thái kiểm điểm rút kinh nghiệm. Còn dự án do trách nhiệm chủ quan của các cơ quan có liên quan sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả chuyển hồ sơ qua cơ quan công an xử lý nghiêm.

Đối với các dự án đội vốn, đa số đều rơi vào dự án đường sắt đô thị. Nguyên nhân, do trượt giá (thống kê từ năm 2009 đến 2013 trượt giá khoảng 49%), đổi mới công nghệ, thay đổi chủ trương, quy mô dự án…

Với những dự án đội vốn dư luận quan tâm, ông Thể khẳng định đã phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan điều tra vào cuộc kiểm tra. Những cá nhân, tổ chức nào vi phạm, chắc chắn sẽ bị xử theo pháp luật. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương này…” - ông Thể nói.

Về trách nhiệm của Bộ, ông Thể cho rằng đã điều chỉnh một số giám đốc dự án và đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm từ hoàn thành tốt nhiệm vụ xuống hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, thanh tra và xử lý cán bộ.

Chưa đồng tình, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho rằng Bộ trưởng trả lời còn tránh, không chỉ có năm dự án đường sắt đội vốn mà có nhiều dự án đội vốn rất lớn.

ĐB dẫn chứng dự án đường ven biển Dung Quất Sa Huỳnh với sáu lần điều chỉnh và tăng mức đầu tư 3.956 tỉ đồng, dự án hệ thống thủy lợi ở Ninh Thuận điều chỉnh ba lần tăng 2.687 tỉ đồng…

“Đề nghị Bộ trưởng xem lại. Quan điểm của tôi là quy trách nhiệm đến cùng của những cá nhân nào gây thất thoát, lãng phí này để xử lý nghiêm, răn đe, phòng ngừa cho các dự án sau…” - ông Cầu nêu quan điểm.


Các loại taxi sẽ bình đẳng

Hiện dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được Bộ GTVT đã trình Chính phủ bảy lần. “Chúng tôi hy vọng Nghị định 86 (sửa đổi) sớm được ban hành và khi đó sẽ hủy Quyết định 24/2016. Lúc đó taxi công nghệ và taxi truyền thống cạnh trạnh như nhau, taxi truyền thống cũng được lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách…” - Bộ trưởng Thể cho hay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Viết Long - Đức Minh - Trọng Phú

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.