|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng cục Đường bộ lên tiếng về trạm BOT T2

06:52 | 25/05/2019
Chia sẻ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi nhà đầu tư về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2.

Liên quan đến việc lái xe bức xúc vì phải trả phí toàn tuyến cho đoạn 200m, chiều 24/4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi nhà đầu tư về việc giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Km50+050 Quốc lộ 91.

Tổng cục Đường bộ lên tiếng về trạm BOT T2 - Ảnh 1.

Các phương tiện lưu thông khó khăn qua trạm BOT T2 trưa 21/5/2019. Ảnh: TTXVN phát

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang (nhà đầu tư dự án) nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Nhà đầu tư tiếp tục cập nhật, xem xét giảm giá cho các phương tiện thuộc diện được giảm giá đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ như phương án đã được duyệt.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp căn cứ phạm vi bán kính tối đa 10 km quanh trạm thu phí T2 theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 11519/BGTVT-ĐTCT ngày 11/10/2017, mức giảm giá đối với các phương tiện đã được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và hướng dẫn tương tự như đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện qua trạm thu phí T2, Quốc lộ 91 đối với các khu vực lân cận trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

"Thời gian đề nghị gửi văn bản cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 5/6" ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Bên cạnh đó, các địa phương nêu trên tổ chức tuyên truyền, vận động lái xe và người dân thực hiện, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về an ninh, trật tự giao thông, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự, mất an toàn giao thông.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của địa phương rà soát các phương tiện thuộc diện được giảm giá và phối hợp với nhà đầu tư để thực hiện giảm giá như phương án đã được duyệt.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ 4 chủ trì, tổ chức thực hiện kiểm tra đếm lưu lượng chủng loại phương tiện lưu thông trên phạm vi của dự án trong 3 ngày (25-27/5 trong thời gian 24/24 giờ) tại các vị trí nút giao Quốc lộ 80 với Quốc lộ 91 và nút giao Quốc lộ 80 lên cầu Vàm Cống và báo cáo kết quả về Tổng cục trong ngày 28/5.

Trước đó, trưa 21/5, nhiều tài xế phản ứng cho rằng trước đây qua phà Vàm Cống, xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi và xe tải dưới 3 tấn chỉ mất 25.000 đồng/lượt.

Nay có cầu Vàm Cống, tuy thời gian được rút ngắn do không phải chờ phà nhưng phải qua trạm T2 mất 35.000 đồng/lượt, dù chỉ đi khoảng hơn 200 m trên Quốc lộ 91.

Nhiều người không đồng ý mua vé và dừng đỗ phương tiện tại các làn thu phí, dẫn đến ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 91.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ-An Giang cho biết, năm 2018, khi một số tài xế phản đối trạm thu phí, mức phí qua trạm đã được miễn, giảm cho xe người dân trong bán kính 8 km quanh trạm thu phí; sau đó dự án hoạt động ổn định. Sau khi thực hiện giảm phí năm 2018, thời gian thu phí của dự án tăng từ 17 năm lên 34 năm.

Về đề xuất chỉ thu 2.000 đồng/lượt như kiến nghị của lãnh đạo tỉnh An Giang, ông Khang cho rằng, mọi giải pháp phải theo quy định và được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý, nhà đầu tư sẽ thực hiện nghiêm.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Để thu hồi vốn cho dự án, nhà đầu tư được thu phí tại hai trạm thu phí là trạm T1 đặt ở quận Ô Môn và trạm T2 qua quận Thốt Nốt (Cần Thơ). Năm 2016, hai trạm thu phí này đi vào hoạt động.

Quang Toàn