|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kêu cứu vì khu dân cư 'uy hiếp' nhà máy

14:30 | 24/04/2019
Chia sẻ
Việc 'hô biến' đất công nghiệp thành đất ở, rao bán tràn lan chắc chắn sẽ để lại những hệ lụy cho người dân mua đất và sống ở đây, trong khi nhà đầu tư đã ôm trọn tiền.
Kêu cứu vì khu dân cư uy hiếp nhà máy - Ảnh 1.

Việc chuyển đổi một số phần đất trong KCN hiện hữu trở thành khu dân cư khiến nhiều người lo lắng về an toàn cho người dân khi về sinh sống. Trong ảnh: khu đất vừa được chấp thuận chuyển đổi sang đất ở tại KCN Đức Hòa 1 - Hạnh Phúc (Long An) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Những hệ lụy có thể thấy rõ nhất là tính pháp lý của lô đất chưa hoàn chỉnh vì khó được cấp sổ đỏ, từ đó kéo theo biết bao nhiêu khê trong việc xin giấy phép xây dựng. Và quan trọng nhất, nếu may mắn được làm nhà thì người dân cũng sẽ đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường sống...

Khu dân cư nặng mùi "công nghiệp"

Những ngày này, khu đất 16,6ha vừa được phê duyệt điều chỉnh giảm từ Khu công nghiệp (KCN) Đức Hòa 1 (huyện Đức Hòa, Long An) do Công ty cổ phần khai thác Hạnh Phúc làm chủ đầu tư đang rầm rộ san lấp mặt bằng để làm khu dân cư (KDC). 

Khi kết luận thống nhất đề nghị xin giảm diện tích đất KCN vào giữa năm 2017, UBND tỉnh Long An cho rằng khu đất "nằm tách biệt ra một khu vực của KCN, chưa có nhà máy hoạt động... thì việc điều chỉnh giảm đất để đầu tư khu nhà ở công nhân, khu thương mại dịch vụ (gọi chung là khu nhà ở) là phù hợp".

Trái với đánh giá trên của UBND tỉnh Long An, giữa cái nắng oi bức cuối tháng 4, khi chúng tôi bước vào cổng 1 KCN này thì mùi hôi tanh, khen khét nồng nặc của hóa chất, bột cá, tôm... đã xộc thẳng vào mũi. 

Hầu như tất cả mọi người đi ngang qua đây đều cùng một phản ứng là dùng tay bịt mũi, chạy nhanh, tránh mùi hôi. Một số công nhân ở đây cho biết đây là mùi đặc trưng từ công ty sản xuất thức ăn cho cá, tôm. Mùi tanh bột cá từ những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lan ra đến nỗi chúng tôi đứng ở cuối khu đất đang được san lấp làm KDC cũng cảm thấy rất khó chịu.

KCN Đức Hòa 1 rộng khoảng 274ha, trong đó diện tích công nghiệp khoảng 189ha và hiện hơn 66% diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lại, thu hút khoảng 100 dự án đầu tư trong và ngoài nước với nhiều ngành nghề sản xuất. 

Những ngành nghề thu hút nhiều doanh nghiệp nhất như sản xuất thức ăn thủy sản; sản xuất các loại sơn, hóa chất sản xuất sơn; sản xuất nhựa; sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật... 

Thế nhưng, dường như những ngành nghề đặc thù "đậm mùi" trong KCN này vẫn không thể đẩy lùi các nhà đầu tư đến giao dịch đất nơi đây. Dù chỉ mới san lấp mặt bằng nhưng "cò" mua bán đất luôn lượn lờ hỏi thăm, sẵn sàng tư vấn cho rất nhiều người có nhu cầu đi xem đất.

Tương tự, tại KCN Đức Hòa III - Việt Hóa, việc san lấp làm KDC cũng đang diễn ra ngay bên các nhà máy, xí nghiệp. Trao đổi với Tuổi Trẻ về tính pháp lý của các khu đất trên, ông Trương Văn Triều - trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết hiện những khu đất này chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án.

Ông Triều thừa nhận lúc lập đề án xin chuyển đổi một phần đất công nghiệp sang đất ở tại các KCN, các sở ngành chưa đánh giá tác động môi trường bởi: không biết xin có được hay không nên chưa đánh giá tác động môi trường để khỏi tốn tiền! 

Quá trình kiểm tra trước đó, các sở ngành cùng với ban quản lý cũng đã thấy thực tế còn có nhiều vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết khi quy hoạch 1/500 sẽ chịu trách nhiệm về việc dàn xếp với các công ty sản xuất hiện hữu. 

"Sắp tới đây, ban sẽ kiến nghị các sở ngành đánh giá tác động môi trường của KDC, buộc các dự án này phải đảm bảo vấn đề môi trường" - ông Triều nói.

Kêu cứu vì khu dân cư uy hiếp nhà máy - Ảnh 2.

Một số hợp đồng mua bán khoản nợ của chủ đầu tư Khu công nghiệp Đức Hòa III - Việt Hóa - Ảnh: S.L.

Nhà máy hay nhà dân phải di dời?

Vốn từ hơn 99ha đất, KCN Đức Hòa III - Hồng Đạt được phê duyệt điều chỉnh và hiện chỉ còn 30ha đất cho các doanh nghiệp thuê. 70ha đất còn lại được phê duyệt đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/500 KDC. 

Trong KDC 70ha này ngoài đất công trình công cộng hơn 4,6ha, đất ở dự trữ hơn 5,3ha, hơn 25ha đã được phân lô thành 3.038 nền nhà liên kế và còn lại hơn 31ha đất ở khác. Quy mô dân số bố trí trong khu này theo quy hoạch là 10.300 người.

Hay tin có KDC sát bên, các công ty hóa chất có trụ sở trong KCN Đức Hòa III - Hồng Đạt đã đồng gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại việc cho hình thành KDC trong khu KCN hiện hữu. 

Trong đơn kiến nghị, các công ty cho biết hiện họ đã thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất và đóng gói thuốc bảo vệ thực vật với thời hạn đến năm 2058. Việc thuê đất và sản xuất diễn ra trước khi chủ đầu tư KCN có chủ trương xin chuyển đổi đất công nghiệp thành đất ở.

Các công ty còn viện dẫn Luật hóa chất quy định khoảng cách an toàn giữa nhà máy sản xuất, kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm với KDC. 

Qua đó bày tỏ lo ngại việc cho KDC quá gần nhà máy sẽ gây khó khăn cho công ty cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Khi xảy ra ô nhiễm, các công ty hay người dân trong KDC phải dời đi?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tân Thuấn, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Long An, cho biết đã nhận được phản ảnh về khả năng ảnh hưởng môi trường tại KDC Hồng Đạt trong tương lai. 

Ông Thuấn cho rằng khi phê duyệt chủ trương dự án KDC này, các quy định về hồ sơ môi trường đều được tiến hành thẩm định đầy đủ theo đúng quy định. Hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.

Ông Thuấn khẳng định: "Tháng 10-2018 UBND tỉnh đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng đến nay dự án vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó vấn đề ảnh hưởng môi trường từ các nhà máy đến KDC chưa được phản ảnh từ phía người dân. 

Tuy nhiên, vấn đề khoảng cách giữa KDC và các KCN đang được tỉnh Long An đặc biệt quan tâm. Hướng tới, sở sẽ giám sát chặt công tác bảo vệ môi trường của KDC, đặc biệt là những quy định xây dựng đảm bảo cách ly từ KCN, việc xả thải của các công ty trong các KCN xung quanh KDC". (còn tiếp)

Hồng Đạt chưa có giấy phép xây dựng hạ tầng

KDC Hồng Đạt đã được chủ đầu tư phân lô bán nhưng lãnh đạo Sở Xây dựng Long An cho biết đến nay KDC này vẫn chưa được cấp giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thậm chí ngày 18-3-2019 Thanh tra Sở Xây dựng Long An còn xử phạt 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư khu đất trên là Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An vì thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật KDC mà không có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp.


* PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà (trưởng khoa môi trường Đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM):

Phải đánh giá môi trường về tác động của chiến lược quy hoạch

Tất cả những KCN thường đều có những KDC trong hoặc xung quanh KCN nhằm đảm bảo nhu cầu cho công nhân, người lao động... Tuy nhiên, cần đánh giá xem KCN đó có nảy sinh những vấn đề môi trường ảnh hưởng đến khu vực KDC hay không.

Trường hợp điều chuyển đất từ KCN sang KDC đều phải làm đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, để chuyên gia có thể tính toán những nguy hại về môi trường.

Ngay khi bắt đầu muốn thực hiện những chủ trương, chiến lược về việc chuyển đổi này, chủ đầu tư phải làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường của chiến lược quy hoạch. Sau đó, khi được phê duyệt điều chuyển rồi phải tiếp tục làm đánh giá tác động môi trường cho từng dự án cụ thể.

Tiến Long - Sơn Lâm