Tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp, người dân vẫn gây nhức nhối
Theo Thủ tướng, trong công tác cải cách hành chính còn tồn tại không ít hạn chế. Cụ thể, chất lượng văn bản trong một số vấn đề còn kém, chậm sửa đổi. Điển hình, theo Bộ Tư pháp báo cáo có gần 400 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp (DN), còn tình trạng cắt giấy phép mẹ lại “đẻ” giấy phép con, sách nhiễu DN, người dân... vẫn gây nhức nhối trong xã hội. “Đó cũng là nguyên nhân của sự nhũng nhiễu, tham nhũng vặt. Phải khắc phục cho được tình trạng này và Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đã có ý kiến”, Thủ tướng nói.
“Đừng hẹn đi, hẹn lại”
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, việc thủ tục hành chính liên thông còn bất cập; dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 - 4 chưa phổ cập; xây dựng chính phủ điện tử còn chậm; chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các bộ còn hạn chế nên thủ tục kéo dài.
Nhấn mạnh tinh thần phải bứt phá về cải cách thủ tục hành chính trong năm 2019, Thủ tướng cho rằng báo cáo của ban chỉ đạo chưa làm rõ giải pháp. Thủ tướng yêu cầu tất cả ngành, địa phương phải có phương án cắt giảm giấy phép, thủ tục; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng hoàn thiện thể chế; rút ngắn thời gian trong tiếp nhận giải quyết tốt hồ sơ; nâng cao chất lượng “1 cửa” và “1 cửa liên thông”.
Thủ tướng yêu cầu cán bộ ngành thuế, hải quan hạn chế làm thủ tục trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. |
“Đừng hẹn đi hẹn lại, cần công khai thời gian giải quyết. Trực tuyến liên thông thì phải để cán bộ giải quyết ít gặp người dân, doanh nghiệp càng tốt. Như vậy mới hạn chế sách nhiễu, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu ngành thuế, hải quan cần tiên phong trong vấn đề này.
“Đừng bắt dân chứng minh các giấy tờ đã được nhà nước cấp”
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng nhận xét, số lượng dịch vụ công cấp độ 3 - 4 đã khá nhiều nhưng thực tế số hồ sơ phát sinh không nhiều.
“Vì nộp hồ sơ online liên quan nhiều ngành, nên các cơ quan công quyền thường yêu cầu rất nhiều, đa số là yêu cầu bản gốc. Nên quy định người dân không cần chứng minh cái gì cơ quan nhà nước đã cấp, vì thực chất các cơ quan nhà nước phải liên thông với nhau”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, các bộ ngành đang chậm trong xây dựng cơ sở dữ liệu; việc liên thông, dùng chung lại càng hạn chế. Điều này khiến người dân chưa có lòng tin, thói quen với dịch vụ công trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cũng than phiền áp dụng các phần mềm để liên thông trong dịch vụ công còn gặp trục trặc. Ông Tuấn dẫn chứng bộ này đã giao một đầu mối kiểm tra chuyên ngành với 6 ngành hàng, nhưng mới đây phần mềm của một đơn vị viễn thông cung cấp lại trục trặc và nhà mạng cho biết nếu thay thế phần mềm phải mất đến nửa năm. “Chúng tôi rất ngại, vì đang thực hiện mà dừng thì DN phản ứng”, ông Tuấn nói.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cho hay dù có nhiều thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 - 4; thực hiện nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích nhưng số thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ còn thấp. Tỷ lệ này ở bộ, ngành T.Ư chỉ đạt khoảng 33,4%. Ở địa phương bình quân mới đạt 10,78%. Vẫn còn tồn tại tình trạng người dân, DN phải đến bộ phận “1 cửa” để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hoặc đã nộp trực tuyến nhưng không được hẹn thời gian giải quyết, không được cấp mã số để tra cứu. |