|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Ngân hàng không thể mãi nắm chắc 'phần thắng'

01:00 | 27/02/2023
Chia sẻ
Sau những thông điệp về việc hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi đầu năm, một loạt ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay sau giai đoạn tăng nóng.

Mới đây, có ngân hàng đưa ra mức ưu đãi giảm tối đa tới 3% lãi vay so với biểu lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp cận dòng vốn ưu đãi vẫn đang là bài toán muôn thuở khó tìm được lối đi chung giữa các ngân hàng thương mại với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh diễn biến thị trường không có nhiều thuận lợi.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa triển khai gói ưu đãi lãi suất vay có quy mô lên đến 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân và có mức ưu đãi giảm tối đa 3% lãi vay so với biểu lãi suất. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn giảm tối đa 2% cho khách hàng vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi suất có giao dịch chính tại ACB.

 Khách hàng giao dịch tại VietinBank. (Ảnh: TTXVN).

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng tung gói ưu đãi lãi suất có quy mô 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Không chỉ nhóm các ngân hàng thương mại lớn, nhiều ngân hàng thương mại cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm so với biểu lãi suất kể từ tháng 2/2023.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh, thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các gói tín dụng với quy mô từ 1.000 tỷ đồng đến trăm ngàn tỷ đồng để cho vay ưu đãi, với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1%/năm, hoặc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đây là những hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Mặt khác, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ hỗ trợ và bổ sung cho các công cụ điều hành khác của ngân hàng trung ương, tạo điều kiện phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất, cũng như tạo dư địa của chính sách, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ của ngân hàng trung ương ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Dù việc giảm lãi vay được đánh giá sẽ tác động tích cực đến thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khó tiếp cận ưu đãi. Bởi trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay, song việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi còn rất hạn chế.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp đang rất khát vốn và không có nguồn tiền để trả nợ, đầu tư. Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với mặt bằng lãi suất cho vay đều trên 10%/năm như hiện nay sẽ là khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp.Hồ Chí Minh cũng cho biết: Hiện có khoảng 46% doanh nghiệp ngành này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu vốn, thiếu dòng tiền nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì các khoản trả nợ lãi vay cùng các khoản khác để duy trì vận hành hoạt động ở mức tối thiểu. Nhiều doanh nghiệp cần bổ sung dòng tiền khi có đơn hàng mới nhưng lãi suất quá cao, cộng với các điều kiện cho vay của ngân hàng siết rất chặt. Trong khi đó, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận đơn hàng giảm sút.

Cần sự kết nối thực chất hơn

Tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh diễn ra cuối tuần qua, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh đã chia sẻ một số ý kiến liên quan đến câu chuyện khó tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp.

 Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM (Ảnh: TTXVN).

Theo ông Tuấn, việc cho vay thuộc về thẩm quyền của các ngân hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông thường, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp cũng như phương án kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp phải khả thi, đảm bảo yêu cầu trả nợ thì mới giải ngân cho vay.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, với điều kiện cho vay không có gì thay đổi, vẫn như từ trước đến nay, thì bài toán giải ngân vốn theo chủ trương sẽ rất khó thực hiện trong năm 2023. Việc triển khai, tiếp cận chính sách cần gắn với thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp nhiều hơn.

“Với cách làm như vậy, ngân hàng cứ giữ chắc “phần thắng”, “phần chắc chắn” của mình, thì doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó tiếp cận vốn. Liệu có cách nào tháo gỡ được không?”, ông Võ Văn Hoan nêu vấn đề tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp ngày 17/2.

Thực tế, việc lãnh đạo Tp.Hồ Chí Minh “sốt ruột” trước những kiến nghị, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận vốn tín dụng không phải là lạ. Bởi đây vẫn là kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp, nền kinh tế và càng quan trọng hơn khi phát hành trái phiếu, đầu tư công vẫn còn “tắc nghẽn”. Trong khi đó, “sức khỏe” nền kinh tế, doanh nghiệp đã suy yếu khá nhiều sau hai năm đại dịch càn quét, bối cảnh thị trường dự báo còn rất nhiều khó khăn thách thức cần sự trợ lực nhiều hơn từ phía ngân hàng.

Đã từ lâu, câu chuyện khó tiếp cận vốn tín dụng tồn tại như một vấn đề khó khăn “muôn thuở” và liên tiếp được đề cập, thảo luận tại các hội nghị, tọa đàm từ cấp Trung ương đến địa phương khi có nội dung liên quan đến nguồn vốn. Cộng đồng doanh nghiệp hay bản thân các ngân hàng thương mại luôn có lí do riêng khi đề cập đến những khó khăn của mình.

Nhiều ngân hàng cho biết, họ vẫn luôn “đốt đuốc” đi tìm các doanh nghiệp “tốt” (doanh nghiệp có dòng tiền, minh bạch báo cáo tài chính, dự án khả thi, không có nợ xấu…) để cho vay. Vì bản thân các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống tài chính dưới sự quản lý đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, những yêu cầu trên lại là yếu điểm của đa số các doanh nghiệp vốn có quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ đang hoạt động, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch. Do đó, việc cùng nhau ngồi lại để thảo luận, tìm hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể sẽ là giải pháp quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Khó khăn này có lẽ cũng là lí do Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phải ban hành Công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023 theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Ngân hàng Nhà nước.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, dự kiến vào ngày 28/2, UBND Tp.Hồ Chí Minh sẽ tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với sự tham gia của các bên liên quan để tháo gỡ vướng mắc về các vấn đề liên quan. Việc tổ chức hội nghị kết nối ngay từ đầu năm được xem có vai trò rất quan trọng trong việc khơi dòng vốn hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2023. Hi vọng, sau hội nghị, cả hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung, vì mục tiêu ổn định, phát triển bền vững nền kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội.

Hứa Chung