|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát'

15:02 | 06/06/2024
Chia sẻ
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, dù có nhiều yếu tố áp lực lên lạm phát, song khi kết hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Sáng 6/6, tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định nêu vấn đề trong thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kiểm soát chặt chẽ lạm phát, tuy nhiên áp lực điều hành lạm phát vẫn còn rất lớn nhất là thời gian tới thực hiện triển khai cải cách tiền lương từ 01/7.

Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, ĐBQH tỉnh Nam Định. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội).

Trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lạm phát trong nước liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, Việt Nam lại là nền kinh tế mở nên nhiều vật tư, nguyên liệu phải nhập khẩu từ thị trường thế giới.

Mặt khác, Việt Nam đang thực hiện nhiều gói kích cầu phát triển kinh tế và chuẩn bị tăng lương. Đây đều có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để đảm bảo các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội).  

Liên quan đến chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua xử lý biến động giá vàng, với những giải pháp của Chính phủ đưa ra nhằm ổn định giá trị của đồng tiền, đảm bảo các tỷ giá. 

Cùng với đó, Chính phủ đã thúc đẩy và đưa ra các chính sách để hỗ trợ kích cầu tiêu dùng như du lịch, mua sắm. Đồng thời có nhiều chính sách tăng đầu tư khu vực công, các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo cho sản xuất và kinh tế phát triển.

Với các giải pháp mà Chính phủ đã làm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thì hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cả.

"Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam có lợi thế là quốc gia có gói giá cả thiết yếu về lương thực, thực phẩm thiết yếu, góp phần kiểm soát tăng giá ở những loại mặt hàng này", Phó Thủ tướng nêu rõ. 

Trước đó, ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng dù có nhiều rủi ro, song lạm phát của Việt Nam trong năm 2024 không quá lo ngại. Bởi trên thực tế, lạm phát trên thế giới đã giảm tương đối nhanh, giá năng lượng, giá lương thực thực phẩm về cơ bản thế giới thích ứng rất tốt, đã và đang kiểm soát rất tốt.

“Lạm phát của thế giới được dự báo giảm từ mức 5,7% của năm ngoái xuống 4% của năm nay. Vì vậy nhập khẩu lạm phát của Việt Nam là không đáng lo”, ông Lực nhìn nhận.

Trong nước, dù có ba nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá nhanh thời gian qua là lương thực thực phẩm, giá nhà ở xã hội và y tế giáo dục, song lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát do Việt Nam vẫn làm chủ được nguồn cung về lương thực thực phẩm và một số mặt hàng do nhà nước quản lý dự kiến tăng giá vẫn trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó, dù nguồn cung tiền đã tăng lên nhưng vòng quay tiền vẫn chậm. Vì vậy, lạm phát sẽ chỉ từ 3,5  -4% hoàn toàn trong ngưỡng của Quốc hội và Chính phủ cho phép.

“Năm nay Chính phủ ưu tiên tăng trưởng và đương nhiên vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, không nên quá quan ngại về lạm phát đến mức chúng ta siết chặt. Như thế nó sẽ kìm hãm đà tăng trưởng đang phục hồi tốt của chúng ta năm nay”, ông Lực lưu ý.

 

Ngọc Bảo