KEB Hana Bank đã từ chối nhận cổ tức năm 2017 và 2018
Cổ đông Hàn Quốc từ chối nhận 845 tỷ đồng cổ tức
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) liên tiếp công bố loạt thông tin tích cực tới các nhà đầu tư những ngày cuối tháng 10 vừa qua. Sau khi thông báo kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cả hai năm 2017 và 2018 với tổng tỷ lệ 14%, BIDV cũng đã kết thúc đợt chào bán 603 triệu cổ phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ vào ngày 31/10. Không thay đổi so với phương án được HĐQT thông qua trước đó, bên mua toàn bộ số cổ phiếu trên là KEB Hana Bank với giá phát hành 33.640 đồng/cổ phiếu.
Thời gian hoàn tất việc góp vốn chỉ cách ngày chốt quyền nhận cổ tức hơn một tuần làm việc. Hiện vẫn cần thêm một vài thủ tục nữa để nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc này chính thức sở hữu 15% vốn BIDV như việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán thay đổi tại Trung tâm lưu ký chứng khoán hay niêm yết bổ sung cổ phiếu trên sở giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, dù kịp trở thành cổ đông của BIDV hay không, KEB Hana Bank cũng sẽ không nhận khoản cổ tức trên (khoảng 845 tỷ đồng).
Tại quyết định chi trả cổ tức của ngân hàng, một ngoại lệ đã được nhắc đến liên quan đến đối tượng trả cổ tức. Cụ thể, toàn bộ cổ đông có tên trong danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng (8/11) sẽ có quyền nhận cổ tức, trừ cổ đông thống nhất không hưởng cổ tức năm 2017 và 2018.
Trả lời Báo Đầu tư làm rõ hơn nội dung này, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết KEB Hana Bank có trong danh sách cổ đông nhưng theo thỏa thuận đã từ chối nhận cổ tức năm 2017 và 2018. Tính trên số cổ phiếu trước đợt phát hành riêng lẻ, BIDV cần chi 4.786 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Cổ đông Nhà nước sẽ nhận về 4.560 tỷ đồng.
BIDV giải cơn khát vốn
Số tiền ròng thu về từ đợt chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài là 20.208 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây không phải số tiền duy nhất BIDV thu về thời gian tới đây. BIDV cũng vừa thông báo sẽ huy động vốn trái phiếu dài hạn với giá trị 9.500 tỷ đồng trong quý IV/2019 đều thông qua hình thức phát hành ra công chúng.
Cụ thể, BIDV chào bán ra công chúng trực tiếp qua các chi nhánh/phòng giao dịch/Trụ sở chính BIDV với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.500 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm. BSC là tổ chức tư vấn cho đợt chào bán này. Cùng đó, ngân hàng chào bán ra công chúng theo phương thức đại lý phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 7 năm. Cả hai kỳ hạn đều áp dụng lãi suất thả nổi, trong đó biên độ áp dụng với kỳ hạn 7 năm là 1,3%/năm; với kỳ hạn 10 năm là 1,4%/năm,
Tính đến 30/9/2019, BIDV đã phát hành 25.910 tỷ đồng thông qua kênh trái phiếu, trong đó giá trị trái phiếu tăng vốn là 18.359 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đã mua lại 7.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2014 và 2.300 tỷ đồng trái phiếu năm 2018 theo điều khoản trái phiếu đã ban hành.
BIDV từng có thời gian ngừng huy động từ kênh trái phiếu tăng vốn do đã hết dư địa. Việc BIDV tăng vốn điều lệ thành công ngoài trực tiếp bổ sung vốn hoạt động và tăng vốn tự có còn mở thêm khả năng huy động vốn cấp 2 cho ngân hàng này. Gia tăng vốn tự có từng được nhận định là bài toán lớn nhất với BIDV. Nhiều thời điểm ngân hàng đã phải “co kéo” tín dụng, tái phân bổ tài sản để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR).
Đối với việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn mới theo Basel II, lãnh đạo BIDV từng cho biết đã nộp hồ sơ lên NHNN và đang trong giai đoạn chờ xét duyệt. Giải cơn khát vốn cũng là điều kiện tiên quyết để BIDV có thể đáp ứng được yêu cầu nghiêm khắc hơn của chuẩn mực mới này.