Kế hoạch dài hơi của Petrolimex: Từ phân phối xăng dầu thành phân phối ‘đủ thứ’?
Một cửa hàng xăng dầu do Petrolimex sở hữu. Ảnh: Song Ngọc.
Petrolimex nắm 48% thị phần xăng dầu, lợi nhuận phụ thuộc giá xăng quốc tế
Hoạt động kinh doanh chính của Petrolimex là phân phối và bán buôn các sản phẩm xăng dầu. Cụ thể, Petrolimex bán lẻ xăng dầu cho người tiêu dùng thông qua mạng lưới cửa hàng xăng dầu (CHXD) trên khắp 63 tỉnh thành và thường đặt tại các vị trí trung tâm, đông dân cư.
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), Petrolimex có hệ thống phân phối với 2.500 do chính tập đoàn sở hữu và vận hành.
Ngoài ra Petrolimex còn bán buôn xăng dầu cho các đại lí kinh doanh xăng dầu được nhượng quyền thương hiệu. Hiện nay số CHXD hoạt động theo hình thức này đạt gần 3.500 trạm trên khắp cả nước.
Theo Chứng khoán HSC, Petrolimex đã phát triển hệ thống kho chứa xăng dầu với công suất 2,2 triệu m3 và hệ thống đường ống vận chuyển xăng dầu dài 570 km. Ngoài ra, công ty cũng sở hữu các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu bao gồm vận chuyển xăng dầu, bán lẻ các sản phẩm hóa dầu và khí gas.
Theo HSC, mảng kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả bán buôn và bán lẻ, chiếm khoảng 90% tổng doanh thu và 75% tổng lợi nhuận của Petrolimex. Kết quả kinh doanh của tập đoàn với mảng xăng dầu sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.
Cụ thể theo MASVN, doanh thu của Petrolimex biến động cùng chiều trong khi lợi nhuận lại thay đổi trái chiều theo giá xăng thế giới. Năm 2016 khi giá xăng thế giới chạm đáy, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đã lên mức cao nhất từ khi cổ phần hóa đến nay. Nguyên nhân chính là biên lãi gộp của công ty tăng mạnh lên 11,54%, kéo theo biên lợi nhuận ròng đạt 3,79%.
Doanh thu biến động cùng chiều trong khi lãi sau thuế biến động ngược chiều giá dầu. Nguồn: MASVN.
Diễn biến giá xăng, dầu có ảnh hưởng đến lạm phát mục tiêu, do đó việc điều hành giá các sản phẩm xăng, dầu trong thời gian qua luôn gắn liền với mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Năm 2016 khi giá xăng thế giới thấp, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ít biến động nên sau khi cộng các khoản thuế, phí liên quan thì phần lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu còn lại ở mức cao.
Theo MASVN, tuy nhiên từ 2017 trở đi, giá xăng dầu thế giới hồi phục nhanh, trong khi chính phủ với mục tiêu kiểm soát lạm phát đã kiềm mức tăng của giá bán lẻ trong nước, kéo theo phần lợi nhuận của Petrolimex và các doanh nghiêp kinh doanh khác bị giảm sút.
Chứng khoán HSC đánh giá trong ngắn hạn và trung hạn, lợi nhuận của Petrolimex sẽ tăng trưởng cùng tốc độ với sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước. HSC cho biết hiện nay Petrolimex chiếm 48% thị phần xăng dầu trong nước và không có kế hoạch tiếp tục mở rộng thị phần.
Do vậy sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận sẽ tăng trưởng cùng tốc độ tăng trưởng của thị trường chung, tức là khoảng 5%/năm dựa trên dự báo của Bộ Công Thương. Theo HSC, mục tiêu này có thể đạt được nhờ tăng trưởng vững chắc của số lượng các phương tiện giao thông.
Đối thủ lớn nhất của Petrolimex là Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil, Mã: OIL). Trong 9 tháng đầu năm nay, PV Oil đạt doanh thu 59.435 tỉ đồng, chỉ bằng 42% doanh thu của Petrolimex.
Ngoài xăng dầu, Petrolimex còn bán lẻ các sản phẩm hóa dầu và khí gas. Ảnh: Đức Quyền.
Chiến lược tăng trưởng dài hạn: Mô hình bán lẻ toàn diện
Bên cạnh các sản phẩm xăng dầu, các trạm xăng Petrolimex cũng bán bảo hiểm phi nhân thọ cho các phương tiện giao thông, phát hành thẻ mua xăng dầu flexi card cũng như các dịch vụ chăm sóc xe ô tô/xe máy tại các trạm xăng. Theo HSC, lợi nhuận từ các mảng kinh doanh ngoài xăng dầu này đóng góp khoảng 2% tổng doanh thu của hệ thống các trạm xăng của Petrolimex.
HSC nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn từ xây dựng chiến bán lẻ toàn diện hướng đến người thuê lâu năm và các mặt hàng/dịch vụ có liên quan khác. PTT (Tập đoàn Dầu khí Thái Lan) là một ví dụ thành công cho mô hình này.
Cụ thể theo số liệu của HSC, khoảng 50% tổng lợi nhuận của chuỗi cửa hàng xăng dầu PTT đến từ hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu như dịch vụ chăm sóc xe ô tô, cửa hàng tiện lợi, và các cửa hàng thức ăn nhanh và quán cà phê.
Petrolimex hiện đang thử nghiệm dịch vụ rửa xe và đã thử nghiệm cho thuê diện tích mặt bằng cho các cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc ở một số cây xăng của tập đoàn. HSC cho rằng Petrolimex sẽ cần ít nhất là hai năm để xác định rõ nội dung và thời gian thực thi chiến lược này.
Một cửa hàng xăng dầu của PTT tại Campuchia. Ảnh: PTT.
Tiềm năng khi mở rộng sang kinh doanh khí LNG
Petrolimex gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Nam Vân Phong, Khánh Hòa để bán khí LNG cho tổ hợp điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xây dựng tại khu vực này.
Theo HSC, tổ hợp điện của EVN bao gồm 4 nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG với tổng công suất 6.000 MW. Việc xây dựng nhà máy đầu tiên sẽ bắt đầu triển khai vào khoảng năm 2022, và nhà máy thứ hai vào năm 2023. Theo thiết kế, mỗi nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn khí LNG mỗi năm.
Petrolimex sẽ xây dựng hệ thống lưu trữ khí LNG với tổng công suất lưu trữ 6 triệu tấn khí LNG mỗi năm, phù hợp với các dự báo về công suất điện của EVN. Việc xây dựng hệ thống lưu trữ khí LNG sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2022, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 1,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, HSC cho rằng có thể mất hơn một năm trước khi có thông tin rõ ràng về thời gian khởi công xây dựng dự án này vì thực tế là tổ hợp điện của EVN vẫn đang chờ phê duyệt cho Qui hoạch Điện VIII sắp tới.
Để chuẩn bị cho hoạt động trong mảng LNG, ngày 1/7 năm nay, Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn JXTG (Nhật Bản) Tsutomu Sugimori đã kí kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về nghiên cứu trong lĩnh vực LNG & Gas tại Việt Nam. JXTG hiện đang là cổ đông chiến lược và nắm giữ 8% cổ phần của Petrolimex.